Dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng với nhà văn Hoàng Quốc Hải, Hà Nội là bến đỗ tâm hồn, cũng là nơi lưu giữ những “trầm tích văn hóa đã kết tinh ròng”, thôi thúc ông dành tới 60 năm để ngẫm và viết. Mối duyên với mảnh đất kinh kỳ của nhà văn này bắt đầu từ năm 1966, khi ông rời báo Vùng Mỏ chuyển công tác về Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội.
Suốt 5 năm liên tục sau đó, hằng ngày, cứ buổi sáng lo việc cơ quan xong, ông lại tìm đến Thư viện Quốc gia, dùng toàn bộ thời gian chiều và tối để đọc sách. Càng đọc, ông càng thấy yêu hơn dải đất hình chữ S, đặc biệt là Hà Nội - nơi từng con đường, góc phố đều như đang thầm thì kể những câu chuyện kết tinh qua bao thế kỷ. Dù là khi làm biên tập viên cho tạp chí Sáng tạo Hà Nội, hay khi sau này trở thành chuyên viên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì tình yêu Hà Nội vẫn luôn là hành trang thiêng liêng được ông trân trọng mang theo, từ đó tạo ra “gia tài văn chương” với các tác phẩm đủ thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, bút ký, tới tạp văn, phê bình, nghiên cứu, trong đó phần lớn viết về Hà Nội, tiêu biểu như: “Con đường phía trước”, “Làng trong phố”, “Ký sự ven hồ”, “Chờ đến ngày mai”, “Ông giám đốc như tôi đã biết”… Qua ngòi bút tài hoa của ông, Hà Nội không còn chỉ là địa danh mà hiện lên duyên dáng, sinh động với vẻ đẹp đa dạng và sức sống văn hóa mãnh liệt được nuôi dưỡng, kết tinh từ quá khứ tới hiện tại, tương lai.
Đáng chú ý, hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ dài 6.500 trang: “Bão táp triều Trần” và “Tám triều vua Lý”, được nhà văn dồn tâm huyết thực hiện trong suốt 30 năm, kể những câu chuyện lịch sử sống động trải dài 400 năm của hai thời đại Lý-Trần đóng đô trên đất Thăng Long. Bộ “Tám triều vua Lý” mang đến những kiến giải thấu đáo việc vì sao Vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô, biến Đại Việt từ nghèo nàn, thô phác trở thành nước phú cường, văn thịnh, võ trị; đồng thời làm rõ những chiến công oanh liệt trong công cuộc phá Tống, bình Chiêm để bảo vệ nền độc lập, mở mang bờ cõi... Trong khi đó, “Bão táp triều Trần” đã tái bản 15 lần, “Tám triều vua Lý” tái bản ba lần, cho thấy sức lôi cuốn của những câu chuyện lịch sử dưới ngòi bút nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Nhà văn cho rằng, viết tiểu thuyết lịch sử không thể chỉ dừng lại ở minh họa, diễn giải lịch sử, mà phải giải mã được lịch sử một cách sâu sắc, chuyển tải những thông điệp, bài học đắt giá tới hôm nay. Muốn thế, người viết phải có nội lực văn hóa đủ mạnh, có sự am hiểu về văn hóa thời đại mình viết và thời đại mình đang sống, nắm bắt được tương quan lịch sử của dân tộc mình và các dân tộc khác, từ đó đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, gạn lọc những “vỉa quặng” lịch sử. Viết về hai triều đại Lý-Trần trong bối cảnh những tư liệu gốc gần như không có gì, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã phải dụng công đi tìm lại những mảnh vụn còn sót của lịch sử được kể lại qua những câu chuyện dân gian, được đề cập rải rác trong tài liệu của Viễn Đông Bác Cổ và nguồn thư tịch Trung Quốc..., từ đó ghép nối, phân tích, so sánh và loại trừ để tìm ra sự thật. Ông khẳng định, hư cấu là thuộc tính của tiểu thuyết, nhưng với tiểu thuyết lịch sử, “hư cấu phải đạt đến chân thực”. Đó là lý do vừa đọc sách, nghiên cứu tư liệu, nhà văn vừa không ngừng đi điền dã để thu thập, soi chiếu các nguồn thông tin. Ví như để viết “Huyền Trân công chúa”, ông đã dành nhiều tháng trời đến Ninh Thuận, Bình Thuận để tìm hiểu về văn hóa Chăm-pa; hay để viết “Huyết chiến Bạch Đằng”, ông đã trở đi, trở lại vùng đất này nhiều lần trong nhiều năm để khắc họa lịch sử chính xác nhất... Bởi thế mà dòng chảy lịch sử cuồn cuộn tuôn chảy, mạnh mẽ và sống động qua từng trang viết của ông.
Ở tuổi 86, giọng nói của lão nhà văn vẫn khỏe khoắn, trí tuệ vẫn minh mẫn và đặc biệt trí nhớ vẫn tuyệt vời, nhất là khi ông chia sẻ về lịch sử Việt Nam và Hà Nội. Ông cũng chưa ngừng viết và vẫn sẵn sàng cho những chuyến điền dã xa xôi tới...■