8 giờ sáng, căn nhà của ông Ngô Văn Xiêm tại đường Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ) đã ngập tràn trong sắc hồng rực và hương thơm ngào ngạt của những bông sen bách diệp vừa được thu hái về. Không khí làm việc khẩn trương. Gần 10 người đang cùng nhau làm việc, mỗi người một công đoạn, người thì nhận hoa, người thì tách cánh hoa, người thì lấy gạo sen, người thì ướp trà... Đôi tay thoăn thoắt tách từng cánh hoa, ông Xiêm chậm rãi kể: “Gia đình tôi là người gốc của làng Quảng An. Từ nhỏ, tôi đã gắn bó với cây sen và nghề ướp trà sen. Cũng chẳng nhớ rõ gia đình có nghề ướp trà từ năm nào, chỉ biết bố tôi là đời thứ tư và đến tôi là đời thứ năm, giờ tôi đã truyền nghề cho các con, cả cháu nội, cháu ngoại cách ướp trà”.
Đã bước qua tuổi 76, ông Xiêm luôn tự hào vì mình đã có gần từng ấy năm gắn bó với sen, cho nên ông nắm rõ bí quyết để làm ra loại thức uống hảo hạng, công phu ấy. Hàng nghìn bông hoa được thu hoạch từ tờ mờ sáng còn đẫm hơi sương, rồi bóc tách cẩn thận để lấy những hạt gạo nhỏ xíu, trắng ngần, nằm ẩn mình trong hàng trăm cánh hoa. Gạo sen chính là thứ tinh túy để làm nên hương thơm của trà sen. Sau 21 ngày với bảy lần vào hương (mỗi lần ba ngày) và bảy lần sấy (mỗi lần sấy một đêm), mới ra được trà sen thành phẩm. Có lẽ vì sự cầu kỳ ấy mà trà sen rất kén người làm. “Hiện nay, trà sen được khách hàng săn đón, do vậy rất nhiều người ở Quảng An học cách làm trà sen, nhưng rất ít người có đủ kiên nhẫn, sự cẩn thận để thành công, bởi đây không chỉ là một nghề để mưu sinh, mà đã trở thành nghệ thuật”, ông Xiêm bộc bạch.
Xưa kia, gia đình ông Xiêm ướp trà để dành tặng người thân quen vào những dịp lễ, Tết. Mãi đến năm 1990, ông mới chính thức bắt đầu ướp trà để kinh doanh. Sau hơn 30 năm xây dựng thương hiệu, trà sen Hiền Xiêm đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP 4 sao. Cuộc sống của gia đình ông khấm khá hơn, thế nhưng điều ông Xiêm cảm nhận rõ nhất từ nghề ướp trà mang lại chính là sự gắn kết những thành viên trong gia đình. “Mỗi ngày, khoảng 15 người trong gia đình tôi cùng quây quần làm trà. Mỗi người làm một công đoạn, gắn bó với nhau bởi những câu chuyện, những lời hỏi han, động viên kịp thời. Vì thế, không khí gia đình lúc nào cũng đầm ấm. Đây chính là nét văn hóa độc đáo mà nghề đã mang đến cho gia đình tôi”, ông Xiêm chia sẻ.
Từ một người không am hiểu gì về trà sen, sau 14 năm về làm dâu, chị Đinh Thị Hiền (con dâu cả của gia đình ông Xiêm) đã trở thành một người làm trà và thưởng trà thuần thục. Không chỉ được bố mẹ chồng truyền đạt mọi bí quyết làm trà sen, chị còn học được biết bao bài học quý giá từ cây sen. Vừa gói trà cho khách, chị Hiền vừa chia sẻ: “Tôi tự hào vì được làm dâu trong một gia đình có nghề truyền thống. Tôi không ngừng cố gắng mỗi ngày để gìn giữ được tinh hoa của trà sen Tây Hồ, đưa thức uống này đến với bạn bè thế giới”.
Gìn giữ tinh hoa của cha ông và lan tỏa đến thế giới là điều mà cả gia đình ông Xiêm đang nỗ lực mỗi ngày. Để giữ trọn vị, những công đoạn làm trà sen vẫn đang được gia đình ông làm thủ công hoàn toàn, bởi chỉ có đôi tay khéo léo cùng sự tỉ mỉ, tinh tế mới có thể làm ra thứ trà sen hảo hạng mà không máy móc nào có thể thay thế được.
Nhấp ngụm trà, hương sen thoang thoảng bay mang theo sự dễ chịu của vị chan chát mà tưởng như cả đầm sen hiện lên trước mắt để thấy hết được những gì tinh hoa nhất, thanh tao nhất trong nét đẹp văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến ■