Sáng kiến đổi rác lấy rau sạch

Với mong muốn hạn chế rác thải ra môi trường và giới thiệu đến các gia đình những bó rau sạch, chị Lê Thị Hải Quỳnh, 44 tuổi, ở Hà Nội sáng lập dự án “Đổi rác lấy rau hữu cơ”.
0:00 / 0:00
0:00

Sáng 24/8, đang chơi dưới sảnh chung cư 361 (số 60 đường Phạm Văn Đồng), cậu bé Nguyễn Bảo Quân, 12 tuổi, thấy có chương trình “Đổi rác lấy rau hữu cơ” cho nên đi bộ một vòng nhặt vỏ chai nhựa mang đến đổi. Phía trước Bảo Quân có rất nhiều ông, bà và các bạn học sinh đang xếp hàng đợi đến lượt. Biết tiêu chí của chương trình mang năm chai nhựa sạch, khô tới sẽ được đổi một bó rau 0,5 kg, Quân nhặt những chai chưa đạt tiêu chí cho vào thùng rác, còn những chai đạt yêu cầu thì mang đổi một bó rau muống được bọc bằng lá dong về tặng mẹ. “Con thấy dự án ý nghĩa vì giúp con có ý thức bảo vệ môi trường, lại có rau sạch để mẹ nấu bữa trưa”, Bảo Quân nói.

Bà Bùi Thị Hồng, 60 tuổi, ở khu tập thể trên đường Hoàng Quốc Việt cũng đổi được hai bó rau từ chai nhựa. Bà Hồng biết đến dự án “Đổi rác lấy rau hữu cơ” từ tuần trước khi xem trong nhóm Facebook của chung cư. Trong chuyến đi du lịch vài ngày trước, bà và người thân không vứt chai nhựa vào thùng rác như mọi khi mà mang về để đổi rau. “Tôi đổi rau khoai lang và rau ngót sạch về nấu cho cháu nhỏ. Nhờ dự án này mà tôi yên tâm ăn rau sạch, lại ý thức hơn đến việc phân loại rác để bảo vệ môi trường”, bà Hồng nói.

Chị Doãn Hải Ninh, 38 tuổi, người phụ trách nhận rác, trao rau tại chung cư 361 đường Hoàng Quốc Việt cho biết, trước đó một ngày, trời Hà Nội mưa lớn, việc thu hoạch rau khó khăn, cho nên rau đưa đến điểm đổi rác muộn hơn dự kiến 30 phút, nhưng vẫn được đông cư dân đến ủng hộ. Tại điểm chị Hải Ninh phụ trách, chỉ sau hơn một giờ, 20 kg rau sạch, gồm rau cải, rau muống, rau ngót, mồng tơi... đã được đổi hết.

Tại điểm số 27, ngõ 86 phố Chùa Hà (quận Cầu Giấy), rau cũng về muộn hơn dự kiến do điều kiện thời tiết, nhưng khách đến đổi rác lấy rau vẫn kiên nhẫn đợi. Bạn Nguyễn Thị Hằng, 28 tuổi, phụ trách điểm đổi rau là chủ một cửa hàng sống xanh, chuyên bán các sản phẩm tái chế và sản phẩm từ thiên nhiên. Tại điểm này, khách mang 10 túi ni-lông sạch và khô đến được đổi lấy một bó rau hữu cơ trọng lượng 0,5 kg. Hằng đăng ký làm tình nguyện viên của dự án để nhận bao ni-lông dành tặng các bạn trong nhóm cộng đồng yếu thế, chuyên sản xuất các sản phẩm như túi xách, ba-lô... từ bao ni-lông, nhằm hạn chế rác thải ra môi trường.

Hạn chế rác thải ra môi trường chính là động lực thôi thúc chị Lê Thị Hải Quỳnh, chủ hợp tác xã nông nghiệp HC Organic Farm và các tình nguyện viên thực hiện dự án “Đổi rác lấy rau hữu cơ”.

5 năm trước, chị Hải Quỳnh khởi nghiệp làm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu HC Organic Farm với định hướng trồng rau, củ hữu cơ cung cấp cho thị trường Hà Nội. Chị nhận ra trồng rau hữu cơ đã khó, tiếp cận được thị trường càng khó hơn, nhất là với những người muốn bảo vệ môi trường như chị. “Tôi muốn gói rau hoàn toàn bằng lá, nhưng các siêu thị, cửa hàng lại từ chối vì rau bọc ni-lông dễ vận chuyển và bảo quản hơn”, chị nói. Sau hàng chục lần đến các siêu thị và các cửa hàng chào mời, chỉ một nơi chịu nhận rau của chị Hải Quỳnh. Buồn nhưng chị Hải Quỳnh không muốn từ bỏ định hướng ban đầu khởi nghiệp, vì vậy chị quyết định chọn một hình thức khác để vừa quảng bá được sản phẩm ra thị trường, vừa tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường.

“Từ đầu tháng 8, chúng tôi bắt đầu kêu gọi tình nguyện viên tham gia dự án. Trung bình mỗi ngày sẽ có gần 100 kg rau sạch được dùng đổi rác”, chị Hải Quỳnh nói. Sau gần một tháng triển khai, hiện có bảy điểm đổi rác hoạt động vào sáng thứ bảy và chủ nhật, phần lớn tại sảnh các chung cư ở số 23 Duy Tân, Chùa Hà, chung cư 361 Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), chung cư Thanh Hà (huyện Thanh Oai), Khu đô thị Quân đội Thạch Bàn (quận Long Biên). Dự kiến trong tháng 9, dự án sẽ tiếp tục triển khai ở hai quận Hà Đông và Hoàn Kiếm.

Những chai nhựa được trang trại của chị Hải Quỳnh thu về tái chế thành chậu ươm cây, trong khi đó, bao ni-lông được dành tặng nhóm yếu thế sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường. “Tôi mong dự án được nhiều người biết đến, nhất là các bạn trẻ, vì họ ngày càng quan tâm đến môi trường và cũng rất biết cách lan tỏa những điều tốt đẹp”, chị nói ■