Gương sáng, việc hay

Nữ nghệ nhân bền bỉ giữ lửa nghề

Đúc đồng Ngũ Xã là một trong bốn nghề nổi tiếng của đất Kinh kỳ xưa (dệt Yên Thái, gốm Bát Tràng, vàng Định Công, đồng Ngũ Xã). Tuy nhiên, thăng trầm của thời cuộc đã làm nghề xưa mờ dần trong nhịp sống hôm nay. Song, bên bờ hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) nhiều năm nay vẫn có một gia đình miệt mài giữ nghề, mặc những biến thiên của thời gian.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Bùi Thị Minh bên tác phẩm của gia đình.
Nghệ nhân Bùi Thị Minh bên tác phẩm của gia đình.

Tương truyền, làng đúc đồng Ngũ Xã được hình thành từ thế kỷ 17. Người dân trong làng đến nay vẫn tự hào vì cha ông mình đã làm ra những kiệt tác như: Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đặt tại Đền Quán Thánh; Tượng Phật A Di Đà (nặng 14 tấn) đặt tại Chùa Thần Quang-Ngũ Xã…Vàng son một thuở là thế, nhưng giờ đây người dân làng Ngũ Xã gần như chẳng còn mấy ai giữ nghề. Hiếm hoi còn sót lại trong số ấy là gia đình bà Bùi Thị Minh (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình).

Năm 1975, cô gái vừa tròn 25 tuổi của làng Bưởi về làm dâu Ngũ Xã. Sinh ra ở làng quê có nghề làm giấy dó truyền thống, lại được gả về nơi có nghề đúc đồng nổi tiếng, từ thuở ấy, bà Minh đã ý thức được trách nhiệm gìn giữ nghề của ông cha. Vì lẽ đó, bà say sưa học các kỹ thuật đúc đồng từ bố chồng và chồng.

Dù là nghề nặng nhọc tưởng như chỉ dành cho đấng mày râu, nhưng bằng một niềm say mê phi thường, chẳng bao lâu, bà Minh đã tiếp thu trọn vẹn những kỹ thuật đúc đồng đỉnh cao. Thế nhưng những năm 70, 80 của thế kỷ trước, người dân Ngũ Xã không thể sống bằng nghề đúc đồng. Bà Minh chia sẻ: “Những năm đó khó khăn lắm, sản phẩm đồng Ngũ Xã là những sản phẩm tâm linh, dường như không tiêu thụ được.

Thế nên người Ngũ Xã bỏ nghề gần hết. Gia đình tôi phải lấy ngắn nuôi dài bằng cách chuyển sang đúc nhôm. Ban ngày thì đúc nhôm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, tối về lại mang những sản phẩm đúc đồng ra ngắm nghía, rồi lại đắp khuôn, sửa dần, sửa dần từng chút một”.

Từng chút, từng chút như thế, mỗi sản phẩm làm ra như một chiếc ghim để giữ gia đình bám trụ với nghề, minh chứng cho tình yêu thiết tha với văn hóa dân tộc. Không phụ lòng người, những sản phẩm của gia đình bà Minh ngày càng được nhiều người biết đến vì sự tinh xảo và chất lượng. Những đơn hàng cứ nhiều dần lên theo thời gian. Đến năm 2005, gia đình bà nghỉ hẳn việc đúc nhôm để tập trung toàn bộ cho việc đúc đồng. Đến nay, những sản phẩm của gia đình bà đã có mặt ở nhiều đình, chùa, các nơi thờ tự trên cả nước.

Năm 2019, bà Bùi Thị Minh được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”. Năm 2021, hai sản phẩm của bà được Ủy ban nhân dân thành phố đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

“Khách hàng từ trong nam đến ngoài bắc, rất nhiều người đã tìm đến gia đình tôi để đặt hàng. Ai đến cũng đều tấm tắc khen sản phẩm, đó cũng là động lực để gia đình tôi tiếp tục giữ nghề. Hiện nay, hai con trai tôi cũng theo nghề và gia đình tôi đã có bốn người được công nhận là nghệ nhân”, bà Minh vui vẻ nói.

Cùng với nỗ lực giữ nghề truyền thống, bà Minh và gia đình còn luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào quyên góp, làm từ thiện, đồng hành cùng các ban, ngành của thành phố Hà Nội giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn do thiên tai lũ lụt trên khắp cả nước; ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa giúp đỡ gia đình thương binh, bệnh binh; tặng quà Tết gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

“Gia đình tôi làm các sản phẩm về tâm linh và càng làm những sản phẩm như vậy, tôi lại càng thấy tâm hồn hướng thiện nhiều hơn, bởi để làm ra được những tác phẩm tinh xảo, có hồn, không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo mà còn cần phải đọc nhiều sách về chính những nhân vật mình sẽ làm. Do vậy, tôi thấy mình cần có trách nhiệm trong việc giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn hơn”, bà Minh bộc bạch.

Với những đóng góp cho cộng đồng, bà Minh đã nhiều lần nhận được giấy khen của các cấp, các ngành. Mới đây nhất, bà vinh dự được nhận danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội trao tặng.

Ở tuổi 74, nghệ nhân Bùi Thị Minh vẫn ngày ngày có mặt tại xưởng sản xuất để trực tiếp giám sát công việc. Bà đến đó không chỉ để làm việc mà còn để truyền tình yêu và nhiệt huyết cho mỗi người thợ, để “thổi hồn” cho mỗi tác phẩm đồng Ngũ Xã vang vọng đến mai sau.