Cơ cấu thu, chi ngân sách chuyển dịch tích cực

Trong ba năm gần đây, kết quả thu ngân sách của TP Hà Nội đều đạt và vượt dự toán. Không những vậy, cơ cấu thu, chi ngân sách đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng thu từ các khoản thu trong nước, tăng chi cho đầu tư phát triển và giảm mạnh chi thường xuyên.

Từ năm 2016 đến nay, cơ cấu thu, chi ngân sách của Hà Nội đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Cụ thể, đã tăng dần tỷ trọng thu ngân sách từ các khoản thu trong nước, tăng tỷ trọng chi ngân sách cho đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Năm 2016, tỷ trọng chi thường xuyên trong phân bổ ngân sách chiếm tới 55,5%, năm 2017 đã giảm còn 53,6%, năm 2018 còn 50,8% và kế hoạch năm 2019 là 50,5%. Trong dự toán ngân sách năm 2019 tiếp tục tiết giảm chi thường xuyên 1.700 tỷ đồng, giảm dự phòng ngân sách thành phố 300 tỷ đồng. Đồng thời, bố trí bảo đảm nguồn để trả nợ gốc và lãi các khoản đã huy động cho đầu tư phát triển. Năm nay, Hà Nội sẽ sử dụng 100 tỷ đồng từ nguồn dự toán chi trả nợ lãi để chi trả nợ gốc đến hạn (3.720 tỷ đồng) của các khoản đã huy động cho đầu tư phát triển trong các năm trước.

Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quản lý, điều hành chi ngân sách bám sát dự toán được Hội đồng nhân dân thành phố giao, bảo đảm tiết kiệm chi thường xuyên và đáp ứng kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa thông tin... Đơn cử, Sở Tài chính thành phố đã ủy thác Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội giải ngân 1.378,5 tỷ đồng cho hơn 40 nghìn hộ vay để giải quyết việc làm, qua đó góp phần thu hút, tạo việc làm cho hơn 20 nghìn lao động. Đồng thời, cho hơn 4.300 hộ nghèo vay tổng số tiền 108,5 tỷ đồng để sửa chữa nhà ở...

Ngoài việc cắt giảm các khoản chi thường xuyên không cần thiết, thành phố thực hiện rà soát lại quy trình, định mức, đơn giá đặt hàng các dịch vụ công ích đô thị, thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, đấu thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường..., qua đó tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả trong quản lý, vận hành. Trong năm 2018 và ba tháng đầu năm 2019, Hà Nội đã hoàn thành 11 đợt mua sắm tài sản tập trung với tổng cộng 82 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu hơn 3.962 tỷ đồng, ít hơn 74,3 tỷ đồng so với đăng ký nhu cầu của các cơ quan, đơn vị. Qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực cho các cơ quan, đơn vị.

Dù dự toán giao thu ngân sách năm sau đều tăng hơn năm trước nhưng Hà Nội vẫn cố gắng thu vượt dự toán. Đây là kết quả của việc triển khai đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, đôn đốc thu hồi các khoản còn nợ đọng. Đồng thời, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất đai, tài sản nhà nước, bảo đảm nguồn thu ổn định, vững chắc. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, Hội đồng Thẩm định giá đất của thành phố đã rà soát phương án giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch, thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê của 63 dự án với tổng số tiền gần 19 nghìn tỷ đồng.

Năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu thu ngân sách đạt 263.111 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2018. Chi ngân sách địa phương 101.239 tỷ đồng, thấp hơn dự toán Thủ tướng Chính phủ giao 4.694 tỷ đồng. Riêng ba tháng đầu năm 2019, tổng thu ngân sách của Hà Nội đã đạt 68.100 tỷ đồng, bằng 25,9% dự toán (tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước). Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải, để thực hiện hiệu quả dự toán thu, chi ngân sách năm 2019, TP Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng phát triển, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ổn định, vững chắc. Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn chi cho đầu tư phát triển.