Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

NDO - Tỉnh Bình Phước xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, việc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn, để đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
0:00 / 0:00
0:00
Bình Phước đầu tư hạ tầng viễn thông khu vực biên giới huyện Lộc Ninh.
Bình Phước đầu tư hạ tầng viễn thông khu vực biên giới huyện Lộc Ninh.

Hạ tầng đi trước một bước

Tỉnh Bình Phước có gần 260km đường biên giới, tiếp giáp 3 tỉnh: Mondulkiri, Kratié và Tabong Khmum của Vương quốc Campuchia. Khu vực vùng biên của Bình Phước gồm 15 xã thuộc 3 huyện, phần lớn còn khó khăn, thiếu thốn điện, đường, trường, trạm y tế, nước sạch và sóng viễn thông.

Trước hiện trạng nhiều khu vực vẫn là “vùng trũng” về sóng viễn thông, tỉnh Bình Phước đã quyết tâm thực hiện chiến dịch “cõng sóng” lên vùng biên giới. Viettel Bình Phước được coi là một trong số những đơn vị đi đầu thực hiện chiến dịch “cõng sóng” lên vùng biên, nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây được tiếp cận với sóng di động 4G.

Giám đốc Viettel Bình Phước Vũ Tấn Dũng cho biết, biên giới là “phên dậu” quốc gia, mỗi người dân, doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác cùng có trách nhiệm và hành động thiết thực để giữ gìn an ninh biên giới.

Đến hết năm 2022, toàn bộ các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh đã được Viettel phủ sóng di động. Hiện đơn vị đang tiếp tục khảo sát và xây dựng các trạm phát sóng thông tin di động (trạm BTS) để cung cấp sóng 4G trên tuyến biên giới.

Trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng Bù Gia Mập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước) và Trạm Kiểm lâm số 9 (Vườn Quốc gia Bù Gia Mập) nằm sâu trong rừng quốc gia Bù Gia Mập; đây cũng là điểm giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông.

Cán bộ Trạm Kiểm lâm số 9 Nguyễn Thế Nghĩa chia sẻ, anh đã công tác ở đây hơn 10 năm và phải sống trong tình trạng “nhiều không”, nhất là không có sóng điện thoại di động cho nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Khi biết Viettel đầu tư Trạm BTS ở chốt ai cũng phấn khởi vì được kết nối với “hậu phương” thông qua sóng 4G.

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1

Nhân viên kỹ thuật Viettel Bình Phước bảo dưỡng các trạm BTS trên tuyến biên giới Bình Phước.

Để phủ sóng 4G trên tuyến biên giới Bình Phước, cần xây dựng 53 trạm BTS, đến nay đã xây dựng và đưa vào hoạt động khoảng 40 trạm, chủ yếu ở huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước đang tiếp tục triển khai các trạm còn lại theo Đề án Xây dựng hệ thống thông tin khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước Nguyễn Minh Quang cho biết, đối với những vị trí đặt trạm BTS khó khăn và phục vụ nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, sở sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ các đơn vị viễn thông về giải phóng mặt bằng, kéo hệ thống cáp quang.

Động lực phát triển mới

Để thực hiện chuyển đổi số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách khoa học và hiệu quả, tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 202-2025.

Trong đó, Bình Phước đề ra mục tiêu hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, thông qua chuyển đổi số sẽ hỗ trợ 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội. Song song với đó, từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 2
Trạm BTS được đầu tư xây dựng trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Hiện nay, các huyện biên giới của tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh ký kết phối hợp về chuyển đổi số với nhà mạng giai đoạn 2023-2025, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của chính quyền và phát triển kinh tế-xã hội.

Qua hợp tác, các nhà mạng sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin bảo đảm phủ sóng toàn diện tại các vùng còn lõm sóng, nhất là vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc sinh sống; xây dựng và hoàn thiện trang thiết bị các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và phát triển đô thị thông minh trong tương lai. Trong kinh tế số-xã hội số, các bên sẽ phối hợp triển khai một số nền tảng thông minh cho các ngành, lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, bưu chính và thương mại điện tử.

Chuyển đổi số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Phước đang từng bước hình thành và trong tương lai gần sẽ góp phần thay đổi cách quản lý, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, để chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội.

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 3
Nhân viên kỹ thuật Viettel Bình Phước bảo dưỡng trạm BTS trên tuyến biên giới Bình Phước.

Trong đó cần giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế số; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch thông qua nền tảng số để giúp thu hút khách du lịch về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.