Hiệu quả từ ứng dụng chuyển đổi số ở Hà Nam

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được tăng cường, lan tỏa và tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức và toàn xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thao tác quét mã QR tại đình Triều Hội.
Các đại biểu thao tác quét mã QR tại đình Triều Hội.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đình Triều Hội, xã Bồ Đề, huyện Bình Lục được công nhận di tích Lịch sử-Văn hóa quốc gia năm 1988. Để đơn giản hóa việc cung cấp thông tin Di tích đình Triều Hội tới đông đảo người dân cùng du khách trong và ngoài địa phương, công trình sử dụng quét mã QR hoặc truy cập trang web: http://dinhtrieuhoi.cargis.vn để xem video, hình ảnh 3600 và nghe thuyết minh giới thiệu, đã được đưa vào sử dụng.

Đồng chí Trần Thị Quyên, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Bình Lục cho biết: Việc khánh thành, bàn giao công trình số hóa đình Triều Hội nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về giá trị di tích lịch sử đình Triều Hội tới du khách thập phương, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi số tại cộng đồng.

Vừa qua, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Liêm, nhân dân và học sinh đã được các đoàn viên, thanh niên, cán bộ, chiến sĩ công an huyện tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích của Đề án 06; hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, cách thức đăng ký, kích hoạt cũng như những lợi ích mang lại từ việc sử dụng tài khoản định danh điện tử và các dịch vụ công trực tuyến, như: Thông báo lưu trú, đăng ký xe, thanh toán các khoản lệ phí, phí giải quyết thủ tục hành chính…, qua đó giúp người dân tiết kiệm được thời gian, giảm bớt thủ tục giấy tờ, bảo đảm tính chính xác và an toàn thông tin.

Xác định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ trên ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã đã xây dựng mạng cục bộ kết nối các phòng, ban, đơn vị; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức cấp huyện trở lên đạt 100%; cấp xã đạt 85%. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đồng bộ và liên thông bốn cấp chính quyền gắn với việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ và chữ ký số chuyên dùng.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam đã được đưa vào sử dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh; đã được kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Hỗ trợ thanh toán trực tuyến quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp hơn 70% số dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp tổng số 1.744 bộ thủ tục hành chính; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 87,5%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 67,7%.

Đối với xã hội số, mạng lưới bưu chính viễn thông của tỉnh khá hoàn thiện và đồng bộ, bảo đảm phủ sóng 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, giúp cải thiện cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Toàn tỉnh có hơn 900 trạm thu phát sóng di động, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 95% số thôn, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn các xã, phường, thị trấn, gần 80% số hộ gia đình có sử dụng dịch vụ băng thông rộng cố định.

Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại 100% các xã, phường, thị trấn của tất cả các huyện, thị xã, thành phố với 795 tổ và gần 4.000 thành viên.

Toàn tỉnh đã cấp 740.920 thẻ căn cước công dân gắn chip, tỷ lệ kích hoạt tài khoản đạt 87,76% so với số công dân đủ 14 tuổi. Số lượng thẻ bảo hiểm y tế đã đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 753.808 người. Số hóa dữ liệu hộ tịch phục vụ đối sánh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt 98,5%.

Về kinh tế số, toàn tỉnh có hơn 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, khoảng gần 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng các nền tảng số.

Toàn tỉnh có 99,71% số doanh nghiệp của tỉnh đã nộp thuế điện tử, 100% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Hà Nam đã triển khai ba sàn thương mại điện tử, hơn 1.000 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia với 250 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn.

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Nam cho biết: Tỉnh chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số bám sát yêu cầu thực tế, mang lại hiệu quả rõ rệt trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, nâng cao chỉ số thành phần, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân, bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Để hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu cụ thể đặt ra, về đẩy mạnh hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thời gian tới tỉnh Hà Nam tiếp tục thực hiện phổ cập điện thoại thông minh giá rẻ cho người dân trên địa bàn tỉnh bảo đảm 100% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% số hộ gia đình có điện thoại thông minh; 100% số hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang.

Tỉnh thúc đẩy triển khai Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính để tích hợp, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam. Tỉnh không ngừng đẩy mạnh nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả.

Các hệ thống thông tin dùng chung như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam; Hệ thống thư điện tử công vụ; Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, Hà Nam không ngừng xây dựng thị trường thương mại số phát triển bền vững, ứng dụng rộng rãi sàn thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng.