Chú trọng truyền dạy Đờn ca tài tử Nam Bộ

Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam Bộ vừa tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là dịp để các tỉnh, thành phố nhìn lại công tác bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này trong đời sống hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ-Di sản tỏa sáng” do Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ-Di sản tỏa sáng” do Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã xuất hiện, nảy nở, phát triển ở Thành phố Hồ Chí Minh từ cuối thế kỷ XIX. Theo thời gian, từ thể loại âm nhạc do các nho sĩ, nhạc quan cải tiến sáng tạo, đáp ứng nhu cầu tiêu khiển tìm bạn tri âm, đã nhanh chóng lan tỏa khắp 21 tỉnh, thành phố (từ Ninh Thuận đến Cà Mau) trở thành dạng thức sinh hoạt tinh thần của đông đảo các thành phần trong xã hội.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử giờ đây không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, sáng tạo của người dân mà còn góp phần quan trọng, dùng lời ca, tiếng đờn để cổ vũ tinh thần yêu nước, kêu gọi cộng đồng bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống, cùng góp sức thi tài để phát triển bền vững kinh tế-xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Trong 10 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 973/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2018-2020) và Kế hoạch số 2720/KH-UBND ngày 5/8/2022 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng.

Đến nay, thành phố hiện có 229 câu lạc bộ, 84 đội nhóm Đờn ca tài tử đang hoạt động với tổng số thành viên là 1.226 người (gồm có 454 nghệ nhân, tài tử đờn và 772 nghệ nhân, tài tử ca), trong đó có 6 Nghệ nhân Nhân dân, 13 Nghệ nhân Ưu tú hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử.

Việc thực hành truyền dạy, sáng tác bài ca mới, tổ chức trình diễn và quảng bá ở các điểm du lịch và trên các phương tiện truyền thông đã được Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ quan tâm và đầu tư, qua đó từng bước phát triển phong trào Đờn ca tài tử, tạo nền tảng khá vững chắc cho sự thụ hưởng, sáng tạo nghệ thuật của cư dân thành phố trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu về Đờn ca tài tử, việc thực hành Đờn ca tài tử hiện nay còn một số hạn chế đáng quan tâm. Loại hình nghệ thuật này chủ yếu phát triển mạnh ở vùng ngoại thành và trong tầng lớp trung niên, tình trạng “già hóa” hội viên các câu lạc bộ Đờn ca tài tử đang diễn ra mạnh; nghệ nhân chơi các nhạc cụ cổ truyền ngày càng ‘khan hiếm”, nhất là đờn cò, kìm, tranh, bầu; chế độ hỗ trợ cho nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn chưa phù hợp.

Hoạt động sáng tạo mới về bài bản, nhạc khí chưa được nghệ nhân chú trọng và phát huy. Đội ngũ kế thừa trong độ tuổi thanh, thiếu nhi không nhiều; một số câu lạc bộ không có nghệ nhân đờn, dẫn đến không còn duy trì sinh hoạt thường xuyên như trước đây. Trong khi đó, một số khác lại gặp khó khăn về tài chính, chưa có địa điểm để nghệ nhân thực hành truyền dạy và sinh hoạt đờn ca...

Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nhà nghiên cứu Đờn ca tài tử Nam Bộ, sở dĩ các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc tồn tại đến ngày nay là do công lao truyền dạy, sáng tạo và phổ biến của các thế hệ nghệ nhân. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nhờ truyền dạy mà cách diễn tấu sáng tạo trên nhạc khí, cách hòa ca độc đáo, điêu luyện, phong cách trình diễn hấp dẫn, đặc sắc... được trao truyền lại cho đời sau.

Chính vì thế, để nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tiếp tục được giữ gìn, phát triển, công tác truyền dạy cần phải được đặt lên hàng đầu. Đây là vấn đề cấp thiết, cần nghiên cứu tìm ra hướng giải quyết phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần thống nhất bài bản và các vấn đề liên quan trong truyền dạy. Vấn đề thống nhất lòng bản để tránh “tam sao thất bổn” cần có sự phối hợp giữa đội ngũ nghệ nhân giỏi chuyên môn từ 21 tỉnh, thành phố có phong trào Đờn ca tài tử phát triển và các cơ sở đào tạo âm nhạc dân tộc chính quy.

Bên cạnh đó, cần xác lập quy trình truyền dạy Đờn ca tài tử để việc truyền dạy trở nên khoa học và đạt chất lượng. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố cần có chính sách nhằm tôn vinh và đãi ngộ nghệ nhân thực hành truyền dạy. Đây là động thái quan trọng cần xúc tiến để các nghệ nhân bảo đảm cuộc sống, dành hết tâm huyết của mình trong việc truyền dạy Đờn ca tài tử, đồng thời thúc đẩy sự ham thích, tự hào và ý thức bảo vệ di sản văn hóa của lớp nghệ nhân trẻ tuổi, để nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung tiếp tục được lan tỏa và phát triển trong thời gian tới.