Chủ động phát hiện và ngăn ngừa tham nhũng

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành các quyết định thực hiện một số chuyên đề thuộc Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025”. Đó là Chuyên đề thực hiện chuyển đổi vị trí công tác và Chuyên đề kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ.

Trong Chuyên đề thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, thành phố quy định danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi gồm hai nhóm công việc với 119 vị trí công tác, phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác. Tại Chuyên đề kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, thành phố xác định rõ bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, thực hiện kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập; nâng cao chất lượng kê khai tài sản, thu nhập; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Thành ủy Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản và đạt kết quả quan trọng. Thành phố đã xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định, chế độ định mức, tiêu chuẩn; đổi mới đánh giá công tác cán bộ bằng nhiều giải pháp, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử được chú trọng, góp phần phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, lãng phí.

Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan chưa được quan tâm đúng mức, tính chủ động trong công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, lãng phí tại nhiều địa phương, đơn vị vẫn là khâu yếu. Một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao chưa có biện pháp hữu hiệu để phát hiện và xử lý triệt để. Nguyên nhân là do công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên ở một số đơn vị còn lỏng lẻo, một số cán bộ còn lợi dụng vị trí công tác và kẽ hở của các cơ chế, chính sách để trục lợi, tiêu cực, gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Vì vậy, để biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, thành phố chủ trương lấy phòng ngừa là chính và phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, bất kể người đó là ai.

Chính vì vậy, việc thành phố ban hành các chuyên đề nêu trên là một trong những giải pháp nhằm xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền về quản lý kinh tế - xã hội, nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để mọi đối tượng không thể tham nhũng. Cùng với đó, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, tăng cường công tác kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để phòng ngừa tham nhũng.