Muốn phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế, Việt Nam cần có sự thay đổi ở nhiều khía cạnh, từ hạ tầng, nhân lực, tài chính… cho đến chính sách, đặc biệt chính sách phát triển doanh nghiệp trong nước và chính sách phát triển tài nguyên dữ liệu.
Tạo đất lành cho chim đậu
Trước sự phát triển của internet, Việt Nam bắt đầu xây dựng rất nhiều quy định quản lý các dịch vụ trên mạng như quy định quản lý mạng xã hội, game online, phim, trang thông tin điện tử, thương mại điện tử… Đây là các quy định cần thiết để chống tin giả, thông tin xấu độc, khiêu dâm, bạo lực trên internet.
Tuy nhiên, khi thực thi các quy định này, thường các cơ quan nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ triệt để, trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại không đáp ứng các quy định này.
Điều đó gây bất bình đẳng trong kinh doanh, khiến các doanh nghiệp trong nước bị đội chi phí, kéo dài thời gian, công sức khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Thậm chí còn gây hiện tượng nhiều người ra nước ngoài mở doanh nghiệp, hoặc các doanh nghiệp trong nước lập công ty con ở nước ngoài, rồi cung cấp dịch vụ ngược về Việt Nam, nhằm né các quy định trong nước.
Do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, khó quản lý hoặc không quản lý được nên các biểu hiện tiêu cực trên internet như tin giả, thông tin xấu độc, lừa đảo vẫn tồn tại. Điều này khiến các phương tiện truyền thông tiếp tục phản ánh, dư luận tiếp tục gây áp lực khiến cơ quan nhà nước lại càng phải tăng cường các quy định quản lý. Nhưng việc tăng thêm các quy định quản lý này chỉ tác động đến các doanh nghiệp trong nước vốn đã tuân thủ rất tốt các quy định pháp luật.
Kỹ sư Công ty TNHH Phần mềm FPT tại huyện Thạch Thất, Hà Nội nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ số. Ảnh: TRẦN HẢI |
Thí dụ, trong lĩnh vực game, các game có yếu tố bạo lực của Việt Nam bị kiểm soát hết sức chặt chẽ, trong khi đó người chơi tại Việt Nam vẫn rất dễ dàng chơi được các game bạo lực của nước ngoài, có nhiều cảnh giết người, đâm chém, bắn súng, đẫm máu. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của lứa tuổi học sinh, sinh viên và khiến các cơ quan quản lý lại chịu áp lực để phải đưa thêm quy định mới.
Kết quả là đang có một vòng xoáy hết sức nguy hiểm, chính sách càng ngày càng tăng nặng nghĩa vụ, chi phí cho doanh nghiệp nội địa mà không hề giải quyết được vấn đề. Các doanh nghiệp trong nước ngày càng kém cạnh tranh và thua ngay trên sân nhà bởi các nghĩa vụ tuân thủ quá cao.
Vì thế trong ngắn hạn, cần đưa ra quy định theo hướng nới lỏng nghĩa vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam, thí dụ như xem xét loại trừ việc áp dụng một số quy định mới với các doanh nghiệp trong nước trong một quy mô và chừng mực nhất định, hoặc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, miễn trừ nghĩa vụ cho các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt (đa số là các doanh nghiệp Việt Nam). Về dài hạn, cần nghiên cứu các chế định xử phạt được các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Khai mở tài nguyên dữ liệu
Dữ liệu được coi tài nguyên cho nền kinh tế số. Và nguồn tài nguyên này lại hoàn toàn nằm trong tay của Nhà nước. Các chính sách phù hợp sẽ hỗ trợ tạo lập những nguồn dữ liệu phong phú, tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Trong các ngành kinh tế truyền thống, nước nào có nguồn tài nguyên sẽ có lợi thế trong cuộc đua, như Trung Quốc, với nguồn tài nguyên đất hiếm, có lợi thế trong việc sản xuất các sản phẩm điện tử, bán dẫn. Hay Indonesia, một nước trong cùng khu vực ASEAN, với lợi thế về niken, đang có khả năng thu hút được các ông lớn Tesla và BYD về lập căn cứ sản xuất xe điện. Tương tự như vậy, trong nền kinh tế số, nguồn dữ liệu tốt và lớn sẽ là nguồn nguyên liệu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Có một điểm đặc biệt là trong khi các nguồn tài nguyên truyền thống là không thể thay đổi được do cấu tạo địa chất, thì phát triển tiềm năng nguồn tài nguyên dữ liệu lại hoàn toàn nằm trong tay của Nhà nước. Các chính sách phù hợp sẽ hỗ trợ tạo lập những nguồn dữ liệu phong phú, tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Nếu làm được như vậy, đây sẽ là lợi thế của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Một số chính sách quan trọng Việt Nam có thể làm như:
Tạo ra nguồn dữ liệu mở có chất lượng cao từ dữ liệu của các cơ quan nhà nước: Hiện các cơ quan nhà nước có rất nhiều dữ liệu quan trọng, nhưng không phải là dữ liệu mở. Quy định hiện tại thì việc quyết định danh mục dữ liệu mở là thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Tư duy ngành, địa phương cục bộ nên các chủ thể này không có động lực “mở” dữ liệu từ phía cơ quan nhà nước. Việc chậm hình thành dữ liệu mở sẽ không thúc đẩy việc khai thác giá trị kinh tế to lớn từ nó.
Luật Tiếp cận thông tin đã quy định các thông tin phải được công khai rộng rãi để công dân có quyền tiếp cận (quyền đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép và chụp thông tin). Một trong các hình thức công khai thông tin là hình thức điện tử, trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Đây hoàn toàn là nguồn dữ liệu phù hợp để trở thành dữ liệu mở. Do đó, Dự thảo có thể bổ sung quy định theo hướng các dữ liệu được công khai theo quy định pháp luật được coi là nguồn dữ liệu mở, ngoại trừ các ngoại lệ. Các ngoại lệ này phải được quy định trong Nghị định hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thống nhất nguồn cung cấp dữ liệu: Nhà nước đang nắm một lượng dữ liệu khổng lồ, tuy nhiên, còn quá tản mạn, thiếu tính công khai và ở định dạng không phù hợp để các doanh nghiệp khai thác. Để nguồn dữ liệu này trở thành “mỏ vàng”, Nhà nước cần có cơ chế để tập hợp các nguồn dữ liệu này lại. Chẳng hạn, có thể bổ sung quy định về một cổng thông tin kết nối, truy vấn từ các cơ sở dữ liệu Nhà nước đang xây dựng, từ đó cho phép doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn dữ liệu thông qua một cổng thông tin duy nhất.
Cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho Trí tuệ nhân tạo (AI): Một trong những ngành rất triển vọng của công nghệ số là AI. AI là ngành yêu cầu nguồn dữ liệu đầu vào lớn cho hệ thống, dữ liệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển AI. Tuy nhiên, khung khổ pháp luật hiện tại của Việt Nam về dữ liệu cá nhân đang đặt ra nhiều nghĩa vụ về bảo mật dữ liệu cá nhân.
Đã đến lúc Việt Nam cần phải tính toán và đổi mới cách quản lý để vừa quản lý tốt, quản lý thông minh, vừa thúc đẩy được phát triển AI. Cần thiết có thể bổ sung cơ chế thử nghiệm riêng cho ngành AI, trong đó tập trung vào việc giảm nhẹ nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân mà doanh nghiệp AI đang phải thực hiện.