Cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu gặp mặt, liên hoan tất niên của người dân tăng cao, nhưng điều đáng nói là sau khi uống rượu, bia trong liên hoan, nhiều người tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
0:00 / 0:00
0:00

Do đó, thực hiện cao điểm đấu tranh, phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão, các lễ hội đầu xuân năm 2023, Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo lực lượng 141, các đơn vị thuộc phòng Cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát giao thông và trật tự Công an quận, huyện, thị xã đồng loạt ra quân xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông.

Chỉ trong ba ngày ra quân thực hiện đợt cao điểm (từ ngày 14 đến 17/12), 15 tổ công tác 141 và các tổ Cảnh sát giao thông và trật tự Công an quận, huyện, thị xã đã phát hiện, xử lý 234 trường hợp vi phạm, trong đó có nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao. Đơn cử ngày 10/12, một lái xe có nồng độ cồn ở mức cao đã điều khiển xe ô-tô đi quá tốc độ, đâm hàng loạt xe máy khiến bốn người bị thương trước cổng một trường học trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng).

Ngày 19/12, trên đường Hoàng Quốc Việt, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện người điều khiển xe máy 29X5 - 011xx có biểu hiện không bình thường, cho nên đã yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Kết quả, người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao gấp 3 lần, tới 1,235 miligam/lít khí thở. Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), trong năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn, khiến 22 người chết và 32 người bị thương, trong đó, có 5 vụ tai nạn giao thông liên hoàn làm nhiều người thương vong.

Tác hại, nguy cơ của việc sử dụng rượu, bia khi lái xe dù đã được nhắc nhở nhiều nhưng ý thức, thái độ chấp hành của người dân vẫn chưa cao. Do đó, việc thực thi nghiêm các quy định, trong đó áp dụng kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện, bất kể ô-tô hay xe máy, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật là giải pháp cần thiết, hiệu quả, giúp giảm các vụ tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm cần được thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không chỉ dừng lại ở các đợt cao điểm. Bên cạnh các chốt cố định, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, xử lý lưu động tại các khu vực có nhiều hàng quán, nhất là quán bia, quán rượu. Các chế tài xử phạt cũng cần bổ sung thêm nhiều hình thức nghiêm khắc, có tính răn đe cao hơn như phải thi lại giấy phép lái xe, lao động công ích, truy tố hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả. Cùng với việc kiểm tra, xử phạt, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức “đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe” tới tất cả người dân, để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người chung quanh.