Việc tái thiết đô thị cũ luôn là bài toán khó, nhất là với những đô thị có bề dày lịch sử nghìn năm, có tầng tầng lớp lớp những công trình mang dấu ấn kiến trúc, giá trị lịch sử, văn hóa như Thủ đô Hà Nội. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có chủ trương, chính sách tái thiết đô thị cũ, nhưng thực hiện chưa thật sự hiệu quả, cần có những đột phá trong thời gian tới.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Ðào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho rằng, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng là nguyên nhân khiến nhiều khu vực cảnh quan quan trọng của Hà Nội xuống cấp, nhất là các đường phố, sông hồ. Những hình ảnh đặc trưng của Hà Nội đang dần bị phá vỡ bởi nhu cầu phát triển của đô thị, sự thay đổi của cuộc sống.
Khu vực nội đô lịch sử thuộc các quận nội thành cũ có nhiều di sản cần bảo vệ như khu vực phố cổ, khu phố cũ, khu trung tâm Ba Ðình, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây... luôn được thành phố quan tâm, đầu tư cho công tác bảo tồn. Tuy nhiên trên thực tế, có không ít di sản đã và đang bị tác động tiêu cực bởi nhiều yếu tố. Các công trình cao tầng, nhà dân, công trình thương mại... được xây dựng, cải tạo với tốc độ như vũ bão. Tuy không ở tình trạng thiếu kiểm soát, nhưng có lúc, có nơi còn bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm, bên cạnh yếu tố khách quan là thiếu công cụ. Vì vậy, khu vực lõi của đô thị Hà Nội đã bị tác động không nhỏ.
Cuộc sống luôn vận động. Việc tái thiết những giá trị của đô thị cũ song hành với quá trình phát triển là việc khó và đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Ðể thực hiện được yêu cầu đặt ra, Tiến sĩ Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) cho rằng, cần xác định rõ ranh giới đô thị, vùng chuyển đổi và khu vực nông thôn. Ðiều này giúp hạn chế việc xây dựng đô thị tràn lan, sử dụng đất không hiệu quả, không gắn đô thị hóa với công nghiệp hóa; xác định cụ thể những khu vực bảo tồn, không phát triển, khu vực hạn chế phát triển, khu vực phát triển có điều kiện và khu vực khuyến khích phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần cho Hà Nội một cơ chế đủ mạnh thì mới có thể thực hiện việc chỉnh trang, tái thiết đô thị. Ðể chỉnh trang, tái thiết đô thị, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định: Khi lập quy hoạch chi tiết để mở rộng trục đường giao thông theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô phải xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, tái định cư tại chỗ, nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh theo các quy định của pháp luật về đất đai và quy hoạch. Quy định này mở rộng hơn so với Luật Thủ đô năm 2012.
Với quy định này, thành phố mới có thể xóa bỏ tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo sau mở đường; đồng thời, giá trị địa tô tăng thêm do Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ trở thành nguồn lực tái đầu tư cho các nhu cầu của đô thị. Tuy nhiên, khi thu hồi đất vùng phụ cận của các tuyến giao thông, không chỉ gia tăng chi phí bồi thường, mà vấn đề khó nhất là có được sự đồng thuận từ phía người dân trong khu vực bị ảnh hưởng...
Do đó, có ý kiến cho rằng, cần có quy định rõ ràng về tiêu chí, lấy ý kiến cộng đồng, khi xác lập quy hoạch "vùng phụ cận". Theo Ðại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, cần phải thay đổi cơ chế. Cải tạo đô thị, giải quyết những vấn đề bức xúc, giúp đời sống người dân trở nên tốt hơn là trách nhiệm của Nhà nước, của chính quyền, cho nên cần phải có cơ chế đầu tư cụ thể; cơ chế cho người dân lựa chọn phương thức chuyển đổi, tái định cư, khi phải di dời phục vụ cho các dự án tái thiết.
Sự đột phá trong cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị cần được thực thi đồng bộ. Thành phố cần thực hiện cơ chế bảo tồn, tôn tạo các khu phố cổ thành nơi kinh doanh dịch vụ, du lịch, đồng thời đẩy mạnh triển khai các mô hình cải tạo chung cư cũ, các khu phố cũ mất mỹ quan, thiếu an toàn, thành các khu đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Những biện pháp này vừa tạo lập điều kiện, môi trường sống mới văn minh, an toàn, vừa tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân khu vực nội đô, nhất là tại những khu vực có giá trị sinh lời cao. Tái thiết, phát triển đô thị Hà Nội cần kết nối việc cải tạo khu trung tâm cũng như các khu nhà ở ven đô, cải tạo hệ sinh thái sông hồ và không gian công cộng; mở rộng không gian đô thị khu vực ngoại thành kết hợp phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo đảm sự tiếp cận của người dân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống.