Cải thiện nhân lực ngành du lịch

Sau đại dịch Covid-19, nhiều nhân lực trong lĩnh vực du lịch chuyển sang làm nghề khác, nhất là nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, nhiều loại hình du lịch mới ra đời như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng... Điều đó dẫn đến tình trạng nhân lực ngành du lịch “đi sau” tốc độ phát triển du lịch nói chung. Ngành du lịch Thủ đô đang nỗ lực tìm các giải pháp để cải thiện nhân lực du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của người Dao ở bản Miền (huyện Ba Vì).
Trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của người Dao ở bản Miền (huyện Ba Vì).

Ngành du lịch Thủ đô đang có những bước bứt tốc mạnh mẽ. Quý I/2024, du lịch Hà Nội đón 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt, tăng 40%, khách nội địa đạt 5,14 triệu lượt, tăng 5%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch nói chung, nhiều loại hình du lịch mới ra đời. Điển hình như những giải chạy thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia thường xuyên được tổ chức.

Đến nay, Hà Nội có bảy giải marathon, bán marathon quy mô lớn. Loại hình du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe cũng phát triển mạnh, nhất là tại khu vực ngoại thành. Một số địa chỉ du lịch chăm sóc sức khỏe nổi bật như: Khu du lịch chữa lành MEDI Thiên Sơn (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì), du lịch trải nghiệm chăm sóc sức khỏe bằng các bài thuốc của người Dao tại bản Miền (xã Ba Vì, huyện Ba Vì), du lịch chăm sóc sức khỏe tại Khu du lịch Ao Vua (huyện Ba Vì)... Phó Giám đốc Khu du lịch chữa lành MEDI Thiên Sơn Đỗ Mạnh Hoàng cho biết, từ sau dịch Covid-19, số khách du lịch đến MEDI Thiên Sơn đã tăng ba lần so với thời điểm trước dịch. Đối tượng khách chủ yếu là các gia đình ở Hà Nội.

Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Dịch Covid-19 khiến nhiều nhân lực trong lĩnh vực du lịch chuyển sang làm nghề khác.

Tổng Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Dân chủ Hà Nội Nguyễn Hồng Hải cho biết, dịch Covid-19 đã khiến ngành khách sạn mất khoảng 20-30% nhân viên và hiện đang rơi vào tình trạng thiếu lao động. Ở một số đơn vị, một nhân viên phải kiêm các vị trí khác nhau, như lễ tân kiêm luôn nhân viên chăm sóc khách hàng, lái xe kiêm nhân viên hành lý, phục vụ tại sảnh khách sạn.

Đối với lĩnh vực du lịch mới, nhân lực thường chưa được đào tạo bài bản. Điển hình như du lịch chăm sóc sức khỏe bản Miền, nhân lực chủ yếu là người dân địa phương. Người dân có kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nhưng thiếu kỹ năng trong ứng xử, chăm sóc, tiếp đón khách hàng.

Để khắc phục tình trạng này, về trước mắt, Hà Nội tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cho các đối tượng khác nhau, thí dụ như tập huấn kiến thức quản lý cơ sở lưu trú, tập huấn kiến thức cho đội ngũ lái xe... và nhất là nhóm ngành du lịch cộng đồng.

Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức hàng loạt Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch, du lịch cộng đồng cho dân cư tại các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất... Đối tượng tập trung công tác tập huấn là các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, các hộ gia đình cung cấp dịch vụ du lịch tại những điểm du lịch cộng đồng.

Anh Đỗ Văn Cường, một gia đình có nhiều sản phẩm gỗ mỹ nghệ đạt chuẩn OCOP tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ biết làm sản phẩm sao cho đẹp mắt, mang đúng giá trị của làng sản xuất gỗ mỹ nghệ. Nhưng bây giờ chúng tôi được hướng dẫn cách giới thiệu sản phẩm hấp dẫn, được hướng dẫn cách đón tiếp khách hàng. Nhờ thế mà chúng tôi có thể tăng cường bán sản phẩm cho gia đình mình”.

Về lâu dài, các doanh nghiệp cần đặt hàng đào tạo đội ngũ nhân sự lành nghề chất lượng cao trong tương lai. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải cho rằng, doanh nghiệp du lịch, khách sạn cần liên kết với các trường trong hoạt động đào tạo, hoạt động này không chỉ giúp các em tích luỹ kinh nghiệm mà còn tạo cơ hội cho các em có việc làm ngay khi tốt nghiệp.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo động lực cho họ tâm huyết, gắn bó lâu dài với nghề thông qua các biện pháp như: Đẩy mạnh liên kết hợp tác quốc tế với các tổ chức giáo dục du lịch nước ngoài theo hướng lựa chọn những ngành nghề phù hợp, tránh lãng phí; tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội...

Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất chính là tăng cường liên kết “ba nhà”: Nhà nước-Nhà trường-Nhà tuyển dụng (doanh nghiệp), trong đó thành phố tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục du lịch và doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo du lịch uy tín quốc tế.