Để thu hút FDI, trong những năm qua, TP Hà Nội đã tích cực tập trung thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt các dự án ngày càng được đơn giản, thông thoáng, minh bạch. Việc áp dụng cơ chế “một cửa liên thông” đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Hà Nội.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư đã đưa Hà Nội trở thành một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Điều đáng ghi nhận, Hà Nội đã tận dụng thế mạnh là trung tâm sản xuất và giao thương đầu mối của khu vực phía bắc để thu hút nguồn vốn vào lĩnh vực công nghệ có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng chất xám cao. Những năm qua, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực phân phối diễn ra khá mạnh với sự xuất hiện một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn như: BigC, Metro, Parkson, Lotte… góp phần tạo dựng hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại trên địa bàn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc thu hút vốn FDI thời gian qua cho thấy phần lớn là vốn do doanh nghiệp điều chỉnh tăng thêm. Điều đó thể hiện sự tin tưởng vào khả năng bảo toàn vốn và phát triển của các doanh nghiệp, chọn Hà Nội làm điểm đến trong quá trình đầu tư. Lãnh đạo Sở này cũng cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 thu hút 180 đến 190 tỷ USD vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Thực hiện kế hoạch này, Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố, trong đó có đẩy mạnh cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiện toàn tổ chức bộ máy xúc tiến đầu tư và đẩy mạnh hợp tác xúc tiến đầu tư giữa Hà Nội với các địa phương khác. Có tám dự án trọng điểm đang được Hà Nội kêu gọi vốn FDI. Đó là, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tiêu chuẩn quốc tế quy mô khoảng 1.000 giường tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm; dự án đầu tư xây dựng Trường đại học đẳng cấp quốc tế tại xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ), 20 ha; dự án đầu tư xây dựng Trường cao đẳng kỹ thuật nghề xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên), 6 ha; dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao xã Xuân Nộn, 300 ha; nhóm dự án dọc trục đường Nhật Tân - Nội Bài (huyện Đông Anh); dự án đầu tư xây dựng trung tâm logistics tại xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín), diện tích từ 10 đến 50ha; dự án đầu tư xây dựng Trung tâm bán buôn cấp vùng tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) từ 10 đến 50ha; khu công viên vui chơi giải trí phường Hà Cầu - Kiến Hưng (quận Hà Đông), diện tích 50 đến 100 ha.
Để thu hút nguồn lực FDI, tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2015 được tổ chức hồi cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, sẽ không ngừng tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế. Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư kinh doanh, làm ăn lâu dài tại Thủ đô. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND thành phố cũng cho biết, việc xét duyệt đầu tư sẽ được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.