Động lực phát triển mới cho lực lượng sản xuất
Chuyển đổi số đã tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất. Trên nền tảng của những lực lượng sản xuất hiện hữu, con người ứng dụng thêm các thành quả khoa học-công nghệ mới, trong đó cốt lõi là khoa học dữ liệu, để hình thành nên một phương thức sản xuất mới, chính là phương thức sản xuất số. Phương thức sản xuất số, về cơ bản, là chuyển đổi quá trình sản xuất tự động hóa theo dây chuyền trong lĩnh vực công nghiệp để tạo ra một năng suất lao động đột biến, giảm sự phụ thuộc vào con người ở mức tối đa trong quá trình sản xuất.
Nếu như theo phương thức sản xuất cũ, trên một dây chuyền tự động hóa, các sản phẩm được chuyển động và các thiết bị tự động (robot) cố định, thì trong phương thức sản xuất số, việc tổ chức sản xuất ngược lại: Các sản phẩm công nghiệp gần như đứng yên, và các robot mới là phương tiện chuyển động; trong đó robot được tích hợp với bộ xử lý dữ liệu lớn và các cảm biến.
Nhờ đó, trên cùng một dây chuyền có thể cùng lúc sản xuất ra nhiều mặt hàng khác nhau, tiến tới đáp ứng tối đa các nhu cầu cá nhân trong từng sản phẩm công nghiệp, trong khi giảm tối đa tổng mức đầu tư cho một dây chuyền sản xuất. Chuyển đổi số nâng cao được hiệu quả của các dây chuyền sản xuất đã đầu tư, đồng thời đáp ứng tối đa yêu cầu của thị trường, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dịch vụ thương mại và dịch vụ tài chính cũng có những chuyển biến mạnh mẽ dựa trên nền tảng của internet vạn vật và xử lý dữ liệu lớn. Ngay trong giai đoạn đại dịch Covid-19, yêu cầu hạn chế tiếp xúc trực tiếp làm nảy sinh nhu cầu phát triển một ngành kinh tế không tiếp xúc, bao gồm hai lĩnh vực chủ yếu là logistics và dịch vụ tài chính. Đây cũng là những lĩnh vực được đánh giá đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Khái niệm logistics trước đây thường được hiểu là vận chuyển hàng hóa lớn, tới nay đã trở thành công cụ đáp ứng cho cả những đơn hàng rất nhỏ của một cá nhân, như việc vận chuyển, cung ứng thực phẩm theo yêu cầu đặt hàng trên một phần mềm cài sẵn trong điện thoại di động.
Tương tự, lĩnh vực dịch vụ tài chính cũng phải chuyển đổi phù hợp nhu cầu của thị trường là thanh toán các món nhỏ, giá trị thấp, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu lợi nhuận cho các nhà cung ứng. Phương thức thanh toán đã được nâng lên một mức mới, từ giao dịch không sử dụng tiền mặt trở thành giao dịch thanh toán không tiếp xúc vật lý.
Theo đó, với các giao dịch chuyển tiền tạm ứng, khách hàng không cần phải ra các phòng giao dịch trực tiếp, mà thông qua các trung gian thanh toán hoặc các ngân hàng điện tử do các ngân hàng truyền thống xây dựng, khách hàng có thể hoàn tất các đơn đặt hàng. Xa hơn, khách hàng có thể thấu chi ở một hạn mức nhất định trong một thời gian giới hạn (mua hàng trước, trả tiền sau). Đây là những hoạt động mà trước khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra, ít ai có thể hình dung.
Đòi hỏi hoàn thiện quan hệ sản xuất mới
Không phải ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp nào cũng có khả năng chuyển đổi số trong thời gian ngắn. Nhiều ngành công nghiệp tại Việt Nam, với đặc thù thâm dụng lao động, tới nay chưa thể tự động hóa ở quy mô lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng đã có một số thành quả bước đầu, trong quá trình chuyển đổi số dựa trên dây chuyền tự động hóa - những bài học kinh nghiệm và căn cứ để Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, toàn diện.
Đơn cử, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Là một ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các đơn vị thành viên của Vinatex đối diện bài toán chuyển đổi số từ rất sớm, nhằm bảo đảm khả năng phát triển bền vững và giữ được vị trí trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động phổ thông, từng diễn biến suốt thời gian dài trong ngành dệt may.
Tuy nhiên, số hóa cả chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam là việc không thể làm ngay, do quy mô rất lớn, với nhiều lĩnh vực gồm sản xuất sợi, dệt kim, nhuộm, may… Do đó, Vinatex xác định: Với khoảng 50 đơn vị thành viên, tập đoàn phải chọn ra 3-4 đơn vị liên kết sản xuất, thí điểm hoạt động chuyển đổi số. Để thay đổi mô hình tổ chức, thời gian đầu phải thành lập các ban mềm, vừa làm vừa nghiên cứu, rồi liên kết hoạt động.
Đồng thời, công ty mẹ phải hỗ trợ các đơn vị thành viên, do họ chưa sẵn sàng chi ngân sách, khi chưa nhìn rõ lợi ích. Kinh nghiệm từ Vinatex cho thấy, để liên kết và chuyển đổi số hiệu quả giữa các đơn vị thành viên, cần đáp ứng được một số tiêu chí: Lựa chọn thứ tự ưu tiên, theo đó ngành sợi là khu vực có lợi thế cạnh tranh nhất của dệt may nên sẽ số hóa từ đơn vị thuộc ngành này; vừa làm, vừa áp dụng cải thiện nâng cấp phiên bản mới, không nhất thiết phải hoàn chỉnh rồi mới đi vào hoạt động; lựa chọn các thành viên trong chuỗi đủ quy mô và độ trưởng thành để số hóa và liên kết trước.
Như vậy, chuyển đổi số tạo đột phá lớn, nhưng lại cần bắt đầu từ những bước nhỏ, không thể nóng vội, bởi sau khi chúng ta thay đổi về lực lượng sản xuất, cần có thời gian để hình thành và thích ứng một quan hệ sản xuất mới.
Khi ứng dụng chuyển đổi số, phương thức sản xuất số ra đời, dẫn đến quan hệ sản xuất giữa người với người thay đổi trên cả ba nội dung: quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất; quan hệ trong tổ chức, quản lý quá trình sản xuất; quan hệ trong phân phối sản phẩm. Đơn cử, trong quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động không còn là quan hệ thuê mướn dựa trên mức tính nhân công của lao động sống, mà nó là sự kết hợp giữa lao động sống ở trình độ cao, cộng với cơ sở hạ tầng được đầu tư theo công nghệ số.
Sẽ có một bộ phận người lao động làm ở những khâu không trực tiếp liên quan sản xuất có thể thực hiện phương thức e-office (làm việc từ xa), nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả lao động. Điều đó đòi hỏi người sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm như đối với những người lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy.
Từ đó, cũng dẫn tới đòi hỏi về thay đổi của một loạt văn bản pháp quy, liên quan các chế độ lương, chế độ bảo hiểm, thuế… phải điều chỉnh dựa trên các phương thức sản xuất mới, cũng như những tác động của phương thức này đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường và hạ tầng công nghệ.
Quản lý nhà nước - xã hội thúc đẩy chuyển đổi số
Nhìn tổng thể, chuyển đổi số nền kinh tế có thể diễn ra ở ba nhóm lớn: nhóm sản xuất công nghiệp, nhóm dịch vụ tài chính-thương mại, và nhóm quản lý nhà nước - xã hội. Để các ngành, lĩnh vực bứt tốc trong chuyển đổi số và phát triển nhanh, bền vững, vai trò của nhóm quản lý nhà nước - xã hội là vô cùng quan trọng. Các chính sách quản lý phù hợp và tiến bộ sẽ thúc đẩy hình thành quan hệ sản xuất phù hợp sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Để công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam thành công, cần ưu tiên một số khía cạnh căn bản. Thứ nhất, bản thân các lĩnh vực trong chuyển đổi số có liên hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy, xây dựng thể chế chuyển đổi số là khâu quan trọng nhất. Cần tạo cơ sở pháp lý để việc quản lý nhà nước về dữ liệu công dân được kết nối với các dịch vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, tài chính; từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cả về công tác quản lý cư dân và hỗ trợ trong việc tham gia các dịch vụ tài chính số (các hoạt động tài chính, tín dụng không tiếp xúc).
Thứ hai, cần có chính sách tài khóa mạnh mẽ để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi số (cơ sở hạ tầng thông tin truyền dẫn, công nghệ và thiết bị mới theo phương thức sản xuất số), góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, trước mắt, việc tạo thể chế linh hoạt cho hoạt động hợp tác giữa các tổ chức tín dụng truyền thống và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính (fintech) là một hình thức đầu tư hiệu quả cao, tạo nền tảng đẩy mạnh cả dịch vụ thương mại và dịch vụ tài chính theo hướng số hóa. Giải pháp này tạo đột phá về quy mô, nhờ kích thích trực tiếp vào khoảng 10 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (bao gồm cả hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể), đóng góp ngày càng nhiều hơn trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống người dân.
Ngay trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII này (2021-2025), có thể tiến hành thí điểm một số phương thức mới dựa trên nền tảng công nghệ, như hình thành sự kết hợp giữa các tổ chức tín dụng truyền thống với các doanh nghiệp fintech hoạt động trong lĩnh vực không hạn chế; hoặc các tổ chức tín dụng kiểu mới dựa trên nền tảng fintech hoạt động thí điểm với một số nhóm đối tượng khách hàng và thời gian cụ thể (sandbox).
Trên nền tảng thí điểm ở một số ngành, lĩnh vực, sau 5 năm chúng ta sẽ có cơ sở xây dựng hệ thống văn bản pháp quy phù hợp với điều kiện của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của nước ta ở một trình độ mới: Một quốc gia công nghiệp đang phát triển.
Phương thức sản xuất số đang manh nha hình thành ở Việt Nam cần có sự thúc đẩy của các chính sách quản lý, để thật sự trở thành một phương thức sản xuất mới, phổ biến trong nền kinh tế.