Trong bối cảnh cấu trúc, trật tự kinh tế toàn cầu thay đổi mạnh mẽ, Việt Nam đang hội tụ các điều kiện để tham gia kỷ nguyên kinh tế mới một cách đầy đủ, bảo đảm chất lượng. Khi các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, cùng các chương trình hành động của các bộ, ngành, lĩnh vực được thực thi, chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp sẽ có điểm tựa để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trong thời gian sớm nhất.
Ông Jean-Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) |
Xây dựng cơ chế hỗ trợ thích ứng tiêu chuẩn số mới
Sự phát triển đáng kinh ngạc của nền kinh tế Việt Nam là kết quả của nhiều yếu tố. Trước hết, phải kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hướng đi này đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Những cải cách mà Chính phủ Việt Nam đề ra trong công cuộc đổi mới đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển kinh tế.
Một yếu tố quan trọng khác phải kể đến là Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra những cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại với các nước và thu hút đầu tư. Từ đó, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam cũng rất chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, qua đó tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế. Bằng việc đầu tư phát triển giao thông hiện đại, mạng lưới năng lượng và lực lượng lao động có tay nghề, Việt Nam đã nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Dân số trẻ, năng động mang đến nguồn nhân lực cần thiết giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, cùng những bước phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính và sản xuất kỹ thuật số đã đưa Việt Nam trở thành một trung tâm về đổi mới công nghệ. Định hướng phát triển trong bối cảnh số cũng đặt ra một số thách thức, nhất là liên quan vấn đề bảo mật dữ liệu và các quy định về kỹ thuật số. Việc bảo đảm sự tương thích giữa quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế hiện hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới, duy trì an ninh và xây dựng niềm tin lớn hơn giữa các nhà đầu tư quốc tế.
Ngoài ra, cân bằng khoảng cách số giữa các khu vực đô thị và nông thôn cũng là yếu tố rất quan trọng. Theo đó, mở rộng quyền truy cập internet tốc độ cao và đào tạo kỹ năng số là những bước đi cần thiết để giúp thu hẹp khoảng cách này và thúc đẩy sự tham gia rộng rãi hơn vào nền kinh tế số. Bên cạnh đó, tôi cũng đề xuất Việt Nam xây dựng các khuôn khổ quy định rõ ràng hơn về quyền riêng tư dữ liệu, thanh toán điện tử và an ninh mạng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng với các tiêu chuẩn số mới.
EuroCham tích cực hỗ trợ Việt Nam bằng cách, mở rộng hợp tác song phương trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như: công nghệ cao, thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Các lĩnh vực này phù hợp các mục tiêu phát triển của Việt Nam và thế mạnh của Liên minh châu Âu (EU), mang lại nhiều cơ hội phát triển, hợp tác. Với việc tập trung vào các lĩnh vực hợp tác này và duy trì sự chủ động, tích cực đối thoại, Việt Nam và EU tiếp tục củng cố quan hệ đối tác kinh tế và thúc đẩy sự thịnh vượng chung.
PGS, TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam |
Nội lực quốc gia chính là lực lượng doanh nghiệp
Gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, vượt qua được tình trạng đói nghèo để bước sang giai đoạn phát triển mới. Trong hành trình đó, chúng ta đã mở cửa hội nhập ở quy mô có thể nói là rất ít nước trên thế giới thực hiện được. Để đến nay, những quốc gia lớn, quốc gia có vị thế quan trọng trên thế giới đều trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam. Thông qua hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, những giá trị nhân loại bắt đầu thấm vào Việt Nam, và chính chúng ta cũng đang nâng tầm lên để sánh vai các cường quốc năm châu. Đà đi lên của nền kinh tế Việt Nam đang tốt, chúng ta tích cực đi ra thế giới và kéo thế giới đến với Việt Nam.
Có thể cảm nhận sâu sắc rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, với thế và lực đã khác trước. Thời đại đang đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải thay đổi tư duy để bước vào một cuộc chơi mới với tầm nhìn rất khác, không còn là cách làm “dò đá qua sông”. Trong thời đại mới, trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay thế nhiều công việc của con người, năng lực sản xuất không còn thuần túy là năng lực cơ khí, cách mạng xanh… mà đòi hỏi phải có năng lực trí tuệ sáng tạo với những lĩnh vực mới như: công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo...
Chân dung đất nước phát triển phải ngày một hiện đại. Động lực cho tăng trưởng kinh tế không chỉ là động lực truyền thống như nguồn lực đất đai, tài nguyên, vốn, con người… mà phải bằng tư duy thị trường để xây dựng thể chế kích thích được năng lực, khát vọng tạo ra của cải vật chất để làm giàu cho đất nước. Những cải cách cho tương lai cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Muốn phát triển kinh tế số, công nghiệp bán dẫn, cần gấp rút đào tạo nguồn nhân lực. Muốn ứng biến với một thế giới đầy biến động, phải có năng lực trụ vững, nghĩa là phải lớn, phải ngang tầm, phải sánh vai chứ không chỉ là chống chịu.
Không gian phát triển của đất nước còn rất lớn, chỉ cần có cơ chế cho các thị trường bừng lên, nền kinh tế sẽ huy động được mọi nguồn lực cho tăng trưởng. Đặc biệt, nếu chúng ta có chính sách thiết thực hơn, khu vực kinh tế tư nhân có thể đạt được những thành tích phi thường như đã diễn ra trong giai đoạn đầu đổi mới.
Chúng ta vẫn nói “nội lực là quyết định”, nhưng nội lực không chỉ là tài nguyên, đất đai… mà phải là khu vực kinh tế tư nhân, là lực lượng doanh nghiệp. Qua nhiều giai đoạn phát triển, kinh tế tư nhân Việt Nam có lúc thăng trầm, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Đã đến lúc không thể thờ ơ với khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp bản địa. Nếu chúng ta có những chính sách tốt hơn, giải pháp thiết thực hơn, khu vực kinh tế tư nhân sẽ trỗi dậy, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại mới.
Ông Adam Sitkoff- Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội |
Nâng cao vai trò Việt Nam Trong nền kinh tế toàn cầu
Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận và suy ngẫm về cách các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng như thế nào và đặc biệt trong đó là những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Cách đây 30 năm, tổ chức AmCham đã ra mắt trong cuộc họp đầu tiên tại khách sạn Dragon ở Hà Nội. Việc cải thiện môi trường kinh doanh và doanh nghiệp tại Việt Nam khi đó mới khởi đầu, song đã thật sự đột phá trong những năm qua. Thương mại cũng trở thành nền tảng của mối quan hệ Việt Nam-Mỹ và đã ghi nhận nhiều bước phát triển vượt bậc. Thông qua đối thoại thẳng thắn và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao hai nước, Việt Nam và Mỹ đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện và bạn bè tốt của nhau.
Tôi tin rằng yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là hệ thống pháp lý công bằng, minh bạch, nhất là coi trọng sự đổi mới. Đổi mới sáng tạo không chỉ nhằm thu hút những dòng đầu tư mới, mà còn là để duy trì và phát triển các khoản đầu tư hiện có.
Tôi tán thành những nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam tập trung tháo gỡ các “nút thắt” trong huy động nguồn lực, sản xuất, kinh doanh, đồng thời giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và tái tạo, hướng tới khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số. Cùng với đó là những nỗ lực thúc đẩy đầu tư bền vững và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển khu vực tài chính trong đó có thị trường vốn. Việt Nam nên ưu tiên đào tạo lực lượng lao động và kỹ sư, các hoạt động kinh tế bền vững và khả năng hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng, sản xuất, đặc biệt khi các công ty, tập đoàn đang hướng đến đa dạng hóa các nhà cung cấp.
Trong hơn 15 năm qua, AmCham đã tích cực ủng hộ và đóng góp cho tiến trình cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam thông qua hoạt động tại Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Trong thời gian tới, tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam tiếp tục chú trọng đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản lý, phê duyệt, tháo gỡ những điểm nghẽn, cũng như đẩy nhanh việc áp dụng chính phủ điện tử và phê duyệt điện tử. Đồng thời, bảo đảm các quy tắc và quy định mới nhất quán và đồng bộ với luật pháp hiện hành cũng như tiêu chuẩn quốc tế. Những nỗ lực này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh, nâng cao vai trò Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
AmCham mong muốn được hợp tác với Chính phủ Việt Nam, góp phần giải quyết những thách thức, nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh, hướng đến củng cố khu vực tư nhân, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội bền vững, cũng như thúc đẩy sự thịnh vượng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Bà Rita Mokbel - Giám đốc Ericsson Việt Nam: Cần hạ tầng mạnh làm bệ đỡ phát triển kinh tế số
Hiện nay, mạng 5G đã được triển khai ở nhiều quốc gia, không ngoại lệ, Việt Nam cũng đang có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để thương mại hóa 5G. Việc triển khai đấu giá thành công và cấp phép băng tần 5G cho ba nhà mạng là một dấu mốc rất quan trọng để Việt Nam cũng như các nhà mạng triển khai 5G.
Thực tế, 5G được coi là nền tảng hạ tầng số quan trọng để tăng tốc nền kinh tế số cũng như quá trình chuyển đổi số trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Công nghệ 5G sẽ giúp tăng mức độ tự động hóa trong sản xuất và từ đó sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn nữa, 5G còn hỗ trợ các sáng kiến của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế số và thúc đẩy các mục tiêu như nâng cao năng suất lao động và các mục tiêu chiến lược rộng hơn về chuyển đổi số.
Khi triển khai ứng dụng 5G ở Việt Nam, những ngành, lĩnh vực như: cảng, khai mỏ, logistics… sẽ có cơ hội, tiềm năng phát triển bứt phá mang lại hiệu quả, lợi ích cao, trong đó, ngành sản xuất sẽ có nhiều cơ hội tiềm năng, lợi ích lớn nhất khi ứng dụng 5G. Trong lĩnh vực sản xuất, 5G đang được ứng dụng hiệu quả trong quản lý nhà kho, tối ưu mặt bằng nhà máy. Lợi ích mà 5G mang lại cho các nhà sản xuất rất lớn, giúp nâng cao năng suất hoạt động thông qua tự động hóa, tối ưu hóa chi phí.
Tôi tin rằng, các nhà mạng di động ở Việt Nam, cùng các nhà cung cấp giải pháp như Ericsson sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp cho các nhà máy áp dụng công nghệ 5G. Thực tế hiện nay hầu hết các mạng còn đang ở chế độ None-Standalone (NSA) - sử dụng hạ tầng 4G hiện tại và nâng cấp lên 5G. Tuy nhiên, để đạt được thành công lâu dài, việc triển khai mạng 5G độc lập Standalone (SA) là rất cần thiết. Khi đó năng lực mạng 5G thực thụ sẽ được giải phóng tối đa và các nhà mạng sẽ xây dựng thêm nhiều Use Case cho các ngành kinh tế như nhà máy, logistics, khai mỏ… từ đó khai phóng tiềm năng của các doanh nghiệp trong cách mạng 4.0.
Tôi cho rằng để vận hành phát triển một nền kinh tế số cần một hạ tầng mạnh. Ericsson giúp các nhà mạng xây dựng hạ tầng số quan trọng này, tạo chất xúc tác, tiền đề để thúc đẩy phát triển ngành kinh tế số, để tất cả hệ sinh thái cùng khai thác, phát huy thế mạnh. Với thế mạnh là nhà cung cấp của các hạ tầng nhà mạng 5G đã triển khai thành công rất nhiều nhà mạng trên thế giới, Ericsson sẽ hỗ trợ, hợp tác với các nhà mạng Việt Nam triển khai 5G trên diện rộng một cách trơn tru và khai thác được hết các lợi thế tiềm năng giá trị của 5G mang lại. Tôi nhận thấy, các nhà mạng Việt Nam đang rất quyết liệt triển khai 5G nhanh chóng và trên diện rộng. Ericsson sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các nhà mạng Việt Nam hiện thực hóa điều này.
Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với bốn trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”.
Chỉ tiêu được đặt ra trong lĩnh vực kinh tế số năm 2024 với tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20-25%. Tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP đạt từ 19%-20%. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 7,5%.
Tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á
● Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2023 của Việt Nam là 12,33%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,42% (chiếm 60,19%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 39,81%).
● Dù năm 2023 có nhiều khó khăn, song tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan (12,1%), Indonesia (8,3%), Philippines (6,9%), Singapore (17,3%), Malaysia (23,1%).
● Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam là nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (28% vào năm 2022 và 19% vào năm 2023), vượt gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.
● Định hướng đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20%-25%/năm, gấp ba lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.