Sinh năm 1990, vậy mà hơn 10 năm nay, Lò Văn Trịnh đã là Trưởng bản Nậm Ty, xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn), là một bản có nhiều người già uy tín, trưởng bối, là vùng giàu bản sắc văn hóa; nơi còn lưu giữ những điệu xòe Thái, các làn điệu tính tẩu, các bài Then mang đậm giá trị văn hóa dân tộc Thái.
Dưới căn nhà sàn khang trang, rót chén trà xanh mới hãm và hứng cái gió mát rượi từ sông Đà thổi vào, chúng tôi được nghe câu chuyện chàng thanh niên dân tộc Thái, dám từ bỏ những ước mơ xa xôi để về bản cùng bà con xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bản làng văn hóa, phát triển đội ngũ đảng viên cơ sở ngày càng vững mạnh.
Năm 2009, Trịnh tốt nghiệp THPT, khi ấy bản Nậm Ty mới di chuyển lên nơi ở mới, theo chương trình tái định cư Thủy điện Sơn La được hai năm, mọi thứ còn bề bộn, thấy nhà đông anh em, bố mẹ đã già, anh quyết định về bản phát triển kinh tế. Về bản, Trịnh tham gia công tác đoàn thanh niên, được giới thiệu tham gia lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, và tiếp cận nhiều mô hình kinh tế điển hình của địa phương. Như cởi được “nút thắt” bấy lâu nay trong việc lựa chọn hướng phát triển kinh tế hộ gia đình.
Để lấy ngắn nuôi dài, Trịnh nhận thấy bà con Thái ở Nậm Ty trước kia đã quen sông suối, nay định cư giáp với sông Đà, đó là lợi thế trong đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Bước đầu anh đầu tư thuyền có gắn động cơ và chài, lưới để đánh bắt thủy sản hiệu quả, vừa làm thức ăn cho gia đình, đồng thời cung cấp nguồn cá, tôm cho các nhà hàng trong và ngoài huyện.
Sẵn lợi thế địa phương với nhiều bãi chăn thả, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc. Với 50 triệu đồng là số tiền ban đầu anh khởi nghiệp khi được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng chính sách và xã hội, Lò Văn Trịnh cùng gia đình bắt tay vào “giải bài toán” kinh tế khó khăn bấy lâu.
Anh đầu tư xây dựng chuồng trại, chuyển từ phương thức chăn nuôi thả rông sang chăn thả có chuồng trại, tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, nhờ vậy mà đàn gia súc của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Ban đầu từ ba con trâu, đến nay, lúc nào gia đình anh cũng duy trì đàn trâu trên chục con. Nhiều hộ trong bản cũng học tập mô hình của gia đình anh, và giàu lên từ chăn nuôi đại gia súc tập trung như gia đình ông Lò Văn Kím có đàn trâu hơn 30 con; Khoàng Văn Soạn hơn 20 con trâu….
Được bà con Nậm Ty tin yêu, tín nhiệm, năm 2012 anh được bầu làm Trưởng bản. Là lớp “hậu sinh”, nên khi làm việc gì anh cũng cẩn trọng, tham khảo ý kiến các già làng để tìm ra những quyết sách, hướng đi mới. Bước ngoặt đến với gia đình anh, dịp đó anh qua thăm người bạn ở bản Pa Kéo, thị trấn huyện Nậm Nhùn, khi thấy nhiều hộ trong bản có thu nhập tốt từ nghề nuôi ong, anh nghĩ đến những cánh rừng đầu nguồn ven sông Đà, nơi tiềm năng cho đàn ong phát triển, anh nghĩ đây chính là “kho báu” thiên nhiên ban tặng cho bà con vùng này. Ban đầu anh phát triển 10 thùng ong, sau dần anh nhân đàn, đến nay anh có trong tay gần 100 thùng ong rải rác khắp ven rừng. Cùng với đó, anh giúp nhiều hộ trong bản làm theo mô hình nuôi ong, nguồn lợi mà thiên nhiên ban cho, anh chia sẻ, hằng ngày vào rừng thăm ong, đồng thời cũng kiểm tra, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ thiên nhiên…
Nói về Trưởng bản Lò Văn Trịnh, cụ Lâm Văn Điện phấn khởi nói: “Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án cho người dân. Nhưng góp phần vào những thành quả đó có một phần không nhỏ công sức của những cán bộ trẻ, năng nổ, nhiệt tình như Trưởng bản Trịnh!”.
Chia tay Nậm Ty, nhìn những mái nhà san sát, ẩn hiện trong các lùm cây xanh, cùng tiếng trẻ ríu rít nô đùa trên những con đường sạch đẹp, phẳng lỳ, một bức tranh đẹp về nông thôn vùng cao hiện hữu đâu đó bóng dáng của một cán bộ đảng viên trẻ năng động nhiệt huyết với quê hương.