Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, gia đình ông Lê Văn Mảnh, ngụ ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, cũng bắt đầu chăm sóc 160 gốc sầu riêng được trồng trên diện tích 8.000m2 của gia đình. Hơn 30 năm trồng sầu riêng, gia đình ông nhiều lần bị thiệt hại nặng nề do hạn mặn. Ông Mảnh đã nhiều lần chứng kiến cảnh sầu riêng chết do nước mặn. Trong đó, năm 2016 bị thiệt hại nặng nề nhất khi gần như toàn bộ vườn cây sầu riêng hàng chục năm tuổi bị ngập nước mặn, cháy lá rồi chết.
Sau nhiều năm trồng lại vườn sầu riêng mới, ông Mảnh chuẩn bị rất kỹ lưỡng để trữ nước ngọt trong mùa hạn mặn. Ông tham dự các lớp tập huấn cách chăm sóc giúp cây phục hồi sau hạn mặn. Sau mùa hạn mặn, gia đình ông thuê nhân công đào lớp đất chung quanh gốc rồi rải vôi đá để nâng độ PH trong đất, phục hồi bộ rễ cho cây. “Bên cạnh đó, mình phải tưới dưỡng rễ, bón phân lân, phân hữu cơ… Trung bình một gốc sầu riêng tốn 500.000 đồng tiền thuê nhân công, phân bón để giúp cây phục hồi sau hạn mặn. Khoảng vài tháng mới xử lý cho ra hoa vụ tiếp theo”, ông Mảnh cho hay.
Chúng tôi thăm vườn sầu riêng của ông Bùi Văn Chiến, cùng ngụ xã Hưng Khánh Trung B cũng là lúc ông đang chăm sóc cây. Theo kinh nghiệm của ông Chiến, sầu riêng là loại cây rất mẫn cảm với nước mặn, nên trong mùa hạn mặn cây rất dễ bị tổn thương. Thế nên, khi mùa mưa xuống, nhà vườn phải có giải pháp giúp cây phục hồi, nếu không sầu riêng sẽ suy kiệt rồi chết dần. “Mặc dù phục hồi cây tốn nhiều chi phí nhưng vườn sầu riêng có giá trị kinh tế rất cao cho nên người dân chấp nhận bỏ tiền đầu tư, chăm sóc. Cây khỏe mạnh còn có thể cho trái ở vụ tiếp theo, nếu không thì mất trắng theo con nước”, ông Chiến bộc bạch.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Khánh Trung B Đặng Văn Dũng cho biết, trong đợt hạn mặn vừa qua, nhờ chuẩn bị tốt từ việc trữ nước ở các công trình cống đập, các mương vườn, các dụng cụ chứa nước… nên cây sầu riêng chịu thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt do nắng nóng kéo dài tại một số vườn cây xuất hiện tình trạng cháy lá, mất sức, một số cây chết. Hiện tại, người dân sử dụng nhiều giải pháp phục hồi vườn cây để chuẩn bị cho quả. Trước đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp các viện, trường tổ chức nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, nhất là phục hồi cây sau hạn mặn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong thời gian gần đây.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 1.300 ha sầu riêng, tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Nghĩa, Phú Phụng, Long Thới, Sơn Định, Hưng Khánh Trung B, Tân Thiềng… Ngành nông nghiệp thường xuyên tập huấn nên nông dân nắm rất vững kỹ thuật trồng, xử lý sau hạn mặn, cho ra quả vụ nghịch… Hiện tại, nông dân tập trung chăm sóc để phục hồi cây sầu riêng sau đợt hạn mặn vừa qua.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có 2.760 ha trồng sầu riêng, trong đó, 1.935 ha cho quả. Nông dân trong tỉnh chủ yếu trồng hai giống sầu riêng Ri 6 và Dona đạt hiệu quả khá cao với sản lượng bình quân khoảng 24.198 tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 15 mã số vùng trồng với diện tích 443 ha sầu riêng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang tập trung phát triển cây sầu riêng theo hướng nâng cao chất lượng bằng việc thống nhất quy trình canh tác theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm GAP hoặc tương đương và sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết để có vùng nguyên liệu lớn. Đồng thời, thay đổi tập quán sản xuất bằng các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt như hiện nay.