Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines: |
Vươn tới mục tiêu trở thành hãng hàng không số
Đứng trước cơ hội và thách thức của thời đại, Hãng Hàng không quốc gia - Vietnam Airlines xác định chuyển đổi số là con đường tất yếu, và trong chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2022-2026, Vietnam Airlines đặt mục tiêu trở thành hãng hàng không số đầu tiên của Việt Nam vào năm 2025, nằm trong tốp dẫn đầu về chuyển đổi số của ngành hàng không ASEAN. Chuyển đổi số tại Vietnam Airlines được thực hiện từ sớm, thường xuyên, liên tục và thực chất. Dấu mốc đầu tiên của quá trình chuyển đổi số là thay thế hoàn toàn vé máy bay giấy sang vé điện tử vào năm 2007.
Từ đó đến nay, Vietnam Airlines đã có những bước tiến quan trọng, khẳng định vị thế dẫn đầu làn sóng chuyển đổi số trong ngành hàng không. Cụ thể, hãng đã hoàn thiện việc nâng cấp các hệ thống lõi như: Hệ thống PSS nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và thúc đẩy công tác bán; Hệ thống MRO-IT nâng cao hiệu quả bảo dưỡng tàu bay theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của cơ sở bảo dưỡng (MRO-VAECO) và Nhà khai thác (Operator-VNA) trong lĩnh vực quản lý kỹ thuật, vật tư và bảo dưỡng máy bay, bảo đảm khai thác hiệu quả nhất đội tàu bay, nhất là các máy bay thế hệ mới.
Với chiến lược số hóa, Vietnam Airlines bảo đảm khai thác hiệu quả nhất đội tàu bay, nhất là các tàu bay thế hệ mới. Ảnh: KHIẾU MINH |
Đồng thời, hoàn thiện việc chuyển đổi hệ thống quản lý công tác hành chính SkyOffice, quản lý nhân sự SkyHR, quản lý quy trình BPM, hệ thống quản lý Hợp đồng CMS… để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành chính. Vietnam Airlines cũng là đơn vị tiên phong của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc xây dựng và hình thành văn hóa số, thông qua biểu trưng Bông sen số với năm thành tố: Linh hoạt thích ứng - Dữ liệu và công nghệ số - Trải nghiệm khách hàng - Đổi mới sáng tạo - Quản trị số.
Với chiến lược số hóa, Vietnam Airlines đạt được những kết quả tích cực, như việc nâng cao trải nghiệm của hành khách, tối ưu hóa quy trình hoạt động, nâng cao nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, quản lý và phân tích dữ liệu, tăng cường kết nối và tương tác kỹ thuật số với hành khách…
Năm 2021, Vietnam Airlines đạt 67/100 điểm, nằm trong nhóm “Nâng cao về sẵn sàng chuyển đổi số”, cao hơn 12 điểm so mặt bằng chung các hãng hàng không tham gia khảo sát trên thế giới. Đây cũng là thời điểm Sky Blue (một công ty tư vấn thương mại điện tử hỗ trợ khách hàng trong ngành hàng không) đưa ra đánh giá Vietnam Airlines tăng 6 điểm so năm 2019, đạt 112/160 điểm và tiếp tục duy trì trong Nhóm hãng hàng không Thương mại điện tử chuyển đổi do đã thực hiện thêm khá nhiều hoạt động về bảo mật dữ liệu khách hàng, cải tiến trên website và dịch vụ khách hàng trên web.
Theo đánh giá dựa trên Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, Vietnam Airlines đạt mức 3 - Mức hình thành, được xem là đã bắt đầu hình thành doanh nghiệp số - hãng hàng không số. Với tầm nhìn chiến lược và những bước đi cụ thể, Vietnam Airlines đang triển khai có hiệu quả quá trình chuyển đổi số, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Phó Đức Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Price Waterhouse Coopers Việt Nam: |
Tăng đầu tư hiện đại hóa hạ tầng bảo mật
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, điều rất đáng lưu tâm là vấn đề bảo mật an toàn thông tin. Thực tế minh chứng, việc quản lý rủi ro mạng có tầm quan trọng trong kiến trúc bảo mật doanh nghiệp và nhu cầu hợp tác giữa các lãnh đạo cấp cao trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh mạng gia tăng. Chi phí vi phạm dữ liệu đã tăng đáng kể, với tỷ lệ doanh nghiệp gặp sự cố hơn 1 triệu USD tăng từ 27% lên 36% so năm trước. Các tổ chức lớn và doanh nghiệp tăng trưởng cao thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các cuộc tấn công mạng.
Dựa trên khảo sát Digital Trust Insights của Công ty TNHH Price Waterhouse Coopers (PwC) với 3.876 người trên toàn cầu, các rủi ro kỹ thuật số và mạng được xác định là ưu tiên hàng đầu trong 12 tháng tới, đặc biệt tại các tổ chức có doanh thu hơn 5 tỷ USD, nơi mối đe dọa từ điện toán đám mây và thiết bị kết nối trở thành vấn đề cấp bách. Dự báo ngân sách cho an ninh mạng sẽ tăng lên trong năm 2024, với 79% số tổ chức dự kiến tăng chi tiêu cho bảo mật, nhất là sau khi trải qua vi phạm dữ liệu lớn.
Về các tiêu chuẩn bảo mật, PwC phân tích, các khung tiêu chuẩn như: ISO 27001, SANS, COBIT và NIST cho thấy nhiều tổ chức sử dụng chúng để đánh giá năng lực bảo mật. Các tổ chức áp dụng điện toán đám mây thường có biện pháp bảo mật mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức nên hiện đại hóa hạ tầng bảo mật, thúc đẩy hợp tác giữa bộ phận kỹ thuật và quản lý trong việc triển khai các biện pháp mới như DefenseGPT. Sự hợp tác giữa Giám đốc Thông tin (CIO), Giám đốc Bảo mật thông tin (CISO) và Giám đốc Công nghệ (CTO) cũng được coi là yếu tố quan trọng để ứng phó các rủi ro mạng phức tạp.
Về vấn đề đào tạo, việc đào tạo và nâng cao kỹ năng bảo mật cho nhân viên, đồng thời cảnh báo hơn 45% số giám đốc điều hành về bảo mật cho thấy dự báo về sự gia tăng các cuộc tấn công mạng của một loại phần mềm độc hại (ransomware) trong tương lai. Hợp tác chặt chẽ giữa các phòng, ban và sự tham gia của lãnh đạo cấp cao là cần thiết để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa tấn công mạng ngày càng gia tăng.
Đó là chưa kể tới những khó khăn như thiếu hụt nhân lực trình độ cao, hiệu quả công tác tuyên truyền, tâm lý chưa sẵn sàng thay đổi... cũng là những rào cản chưa thể ngày một, ngày hai dỡ bỏ ngay được. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho các doanh nghiệp hiện nay là chủ động nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ với các định hướng giải pháp cụ thể, nhằm hướng tới sự thích ứng môi trường công nghệ số, thích ứng nền kinh tế số.
Ông Trần Trung Hiếu - CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam: |
Gia tăng hiệu quả trong môi trường toàn cầu hóa
Trong những năm gần đây, làn sóng chuyển đổi số có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, thúc đẩy sự thay đổi sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Do đó, quá trình này cũng tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp.
Đơn cử, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi cách thức làm việc và phát triển các loại hình công việc mới. AI không chỉ cải thiện quy trình tự động hóa mà còn thay đổi thói quen và hành vi người tiêu dùng. Các đơn vị giờ cũng phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp. Điều này tạo nên áp lực, buộc doanh nghiệp phải thích ứng nhanh hơn để không bị lạc hậu trong kỷ nguyên công nghệ.
Không những vậy, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực có chuyên môn cao về công nghệ thông tin, dữ liệu lớn (Big Data) và AI. Thách thức này yêu cầu nguồn lực đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên, nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ mới vào vận hành doanh nghiệp như hệ thống phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, phần mềm phân tích dữ liệu, các giải pháp đám mây… cũng đòi hỏi khoản đầu tư lớn, không chỉ cho phần cứng và phần mềm mà còn phục vụ quá trình bảo trì và nâng cấp hệ thống.
Bên cạnh những thách thức, làn sóng chuyển đổi số mang đến hàng loạt cơ hội cho các doanh nghiệp, mở ra những triển vọng phát triển và tăng trưởng đầy hứa hẹn. Những tác vụ đơn giản như: chấm công, tính lương, quản trị hiệu suất... từng chiếm nhiều thời gian, nay đều được số hóa quy trình, xử lý hiệu quả và tối ưu hơn, với những giải pháp công nghệ thực tiễn.
Việc áp dụng công nghệ số không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình hoạt động và giảm chi phí, mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp cải thiện trải nghiệm khách hàng cũng như dễ dàng tiếp cận thị trường thế giới. Sự chuyển mình này cho phép doanh nghiệp không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó gia tăng hiệu quả kinh doanh trong môi trường toàn cầu hóa.
Để thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả, các doanh nghiệp nên xác định chiến lược rõ ràng và mục tiêu cụ thể. Đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cao hạ tầng và đào tạo nhân lực là những thành phần thiết yếu giúp tối ưu hóa quy trình làm việc. Việc doanh nghiệp tự đầu tư cho hạ tầng và phát triển công nghệ là hướng đi bền vững trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, chi phí ban đầu có thể tốn kém, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhằm nắm bắt xu hướng chung trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc các giải pháp chuyển đổi số thiết thực ứng dụng sâu công nghệ AI, nhằm tối ưu hóa chi phí đồng thời đem lại hiệu quả vượt bậc.
Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là áp dụng công nghệ mới, mà còn là quá trình thay đổi toàn diện cách doanh nghiệp hoạt động, từ chiến lược đến văn hóa tổ chức và không ngừng nâng cao năng lực công nghệ lõi, từ đó gia tăng lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển bền vững, thích ứng nhanh chóng làn sóng biến đổi toàn cầu.
Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam
Chính thức đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi số trong xã hội và kinh tế, đồng thời tạo ra cơ hội và thách thức mới, Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam xác định rõ, đến năm 2024 đạt những chỉ tiêu sau:
* Phát triển Dữ liệu số: Xây dựng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về người dân, doanh nghiệp, và đất đai, đạt 100% đối với mỗi lĩnh vực.
* Phát triển Định danh số: Đạt tỷ lệ 70% số dân sở hữu danh tính số, với mỗi danh tính phát sinh trung bình 100 lượt sử dụng mỗi năm.
* Phát triển Thanh toán số: Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt 80%, với 50% thanh toán thương mại điện tử không sử dụng tiền mặt. Tỷ lệ thanh toán hóa đơn điện, nước không sử dụng tiền mặt đạt 75%.
* Phát triển Kỹ năng số: Đào tạo kỹ năng số cho 70% số công nhân tuyển dụng mới và đào tạo lại. Tỷ lệ nông dân được đào tạo về kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 50%. 100% số học sinh phổ thông và sinh viên được đào tạo kỹ năng số.
* Phát triển Nhân lực số: Tỷ lệ học sinh phổ thông tiếp cận STEM/STEAM đạt 70%. Đưa vào hoạt động 5 trường đại học số thí điểm. Tổng số nhân lực công nghệ số Việt Nam đạt 1,5 triệu người.
Việt Nam, với quy mô dân số lớn và sự thích ứng nhanh chóng của người dân với công nghệ mới, có cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của chiến lược quốc gia. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Ông Huỳnh Ngọc Duy - Giám đốc Công ty cổ phần Mắt Bão: |
Cần có giải pháp từ nhiều phía
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn là yếu tố sống còn để các doanh nghiệp có thể thích ứng sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp thường đối mặt với bốn thách thức chính.
Thứ nhất, là vấn đề thiếu nguồn lực về công nghệ. Việc thay thế những giải pháp mới đòi hỏi thời gian đào tạo nhân lực và thay đổi quy trình làm việc. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa đủ khả năng sắp xếp được nhân sự và thời gian cho việc này. Thứ hai, là khó khăn trong thay đổi tư duy. Không phải bất cứ ai đều nhạy bén với việc thay đổi tư duy và văn hóa làm việc.
Điều này đòi hỏi phải có sự thúc đẩy liên tục và tạo động lực của các cấp lãnh đạo đến toàn bộ nhân viên. Thứ ba, là nhiều chủ doanh nghiệp hiện tại chưa quan tâm bảo mật các thông tin/dữ liệu doanh nghiệp. Thiếu sót này sẽ dẫn đến các mối đe dọa an ninh mạng, đồng thời đặt ra những thách thức lớn cho quá trình chuyển đổi số. Thứ tư, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn còn loay hoay chưa biết nên bắt đầu thay đổi từ đâu.
Muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, chúng ta cần có những giải pháp từ nhiều phía. Các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông qua những chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ.
Từ phía doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, đầu tư vào công nghệ và đào tạo nhân lực, tránh việc ôm đồm và thay đổi quá nhiều quy trình lẫn tư duy làm việc trong một khoảng thời gian ngắn. Cụ thể, tôi cho rằng doanh nghiệp nên tìm hiểu và tập trung xây dựng nền tảng quản lý quan hệ khách hàng, quản lý chuỗi cung ứng, hệ thống phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp... Dựa vào các nền tảng này, mọi hoạch định của doanh nghiệp sẽ dựa trên chỉ số và dữ liệu, từ đó chúng ta có thể đưa ra những quyết định chính xác hơn khi đã nắm bắt được thị trường cũng như chân dung và nhu cầu của khách hàng.
Kỹ sư CMC Telecom vận hành dịch vụ cho Samsung SDS. Ảnh: THÚY NGA |
Tiếp theo, cần triển khai các giải pháp làm việc nhóm trực tuyến và liên kết dữ liệu này vào các hệ thống quản lý. Việc đồng bộ dữ liệu giữa nhân viên, phòng, ban và khách hàng, được quản lý trong một hệ thống, giúp thông tin trong doanh nghiệp liền mạch và bảo mật dữ liệu của tổ chức.
Quan trọng hơn hết, chính là việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong nội bộ. Tôi cho rằng, việc chỉ đưa ra mục tiêu là chưa đủ, những người lãnh đạo cần đi đầu trong việc ứng dụng xu thế mới, song song với đó là các buổi đào tạo hoặc thực hành liên tục, có lịch biểu cụ thể. Doanh nghiệp có thể mời các đơn vị đã ứng dụng thành công để chia sẻ thêm, bên cạnh các buổi giảng dạy về mô hình làm việc mới.
Không gian làm việc mở tại Công ty Mắt Bão.Ảnh: HOÀI THU |
Ông Sam Crook - Giám đốc Doanh thu của Công ty TNHH Ascertia: |
Tạo dựng niềm tin vào sự thay đổi khi chuyển đổi số
Thách thức lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số là tạo sự tin tưởng vào những thay đổi - bắt đầu từ cấp lãnh đạo. Các dịch vụ kỹ thuật số mới có thể gây lo lắng, khi thay thế các dịch vụ truyền thống đã tồn tại từ lâu. Quy định pháp lý và truyền thông có thể giúp ích, nhưng việc xây dựng niềm tin cần một quá trình dài. Trước khi các quy trình được số hóa, Chính phủ Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.
Cụ thể, với Luật Giao dịch điện tử đã được sửa đổi và ban hành vào năm 2023, vẫn còn nhiều văn bản pháp lý dưới luật cần phải được ban hành để luật có hiệu lực đầy đủ. Chính phủ Việt Nam chưa ban hành các quy định quan trọng khác về lưu trữ và công chứng - các luật liên quan đến hai vấn đề này vẫn chưa được thực thi hoặc ban hành. Việc chưa có những quy định này khiến các doanh nghiệp do dự trong việc áp dụng các công nghệ và giải pháp mới.
Hợp tác xã nông nghiệp số Bình Phước (tỉnh Lâm Đồng) áp dụng công nghệ số và thiết bị tự động trong cả chu trình quản lý, chăm sóc cây sầu riêng. Ảnh: NGUYỄN HÙNG |
Chi phí liên quan chuyển đổi số cũng là một rào cản. Có một sự do dự khá lớn trong việc đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số mới, khi mọi người còn thiếu niềm tin, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Việc có đủ công nghệ cần thiết để triển khai các dịch vụ số cũng là một thách thức; phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhiều tổ chức trong số này có thể gặp khó khăn về tài chính khi thực hiện chuyển đổi số.
Ngoài ra, văn hóa của Việt Nam cũng là một yếu tố cần lưu ý. Các nước châu Âu đang thực hiện chuyển đổi số rất nhanh, nhưng quy trình, văn hóa và phương thức làm việc ở Việt Nam khác biệt hoàn toàn so các quốc gia này. Do đó, các sản phẩm và quy trình không thể được áp dụng trực tiếp theo mô hình của châu Âu mà đòi hỏi các phương pháp tiếp cận mới và phù hợp việc số hóa.
Dẫu vậy, dân số trẻ của Việt Nam rất am hiểu và dễ dàng thích nghi với những tiến bộ công nghệ. Bất chấp những thách thức lớn cần phải vượt qua, tình hình chắc chắn sẽ được cải thiện. Trong những năm tới, lực lượng lao động sẽ tiếp cận hoàn toàn với những công nghệ hôm nay và nền kinh tế của đất nước sẽ được hưởng lợi từ điều đó.
Muốn thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam có thể xem xét nhiều giải pháp để giảm bớt những khó khăn trong quá trình này, từ các thay đổi quan trọng về quy định đến các nỗ lực giáo dục tại địa phương. Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, ban hành các luật và quy định để phù hợp xu hướng số hóa. Chính phủ cần tiếp tục thực thi các chính sách mới về dịch vụ và quy trình kỹ thuật số để bảo đảm rằng cả tổ chức và cá nhân đều có sự đồng thuận và sẵn sàng thực hiện.
Chính phủ cũng nên cân nhắc việc tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo và hội thảo giúp trang bị cho người dân kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích nghi với xã hội số mà đất nước đang hướng tới. Việc cung cấp các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cung cấp dịch vụ miễn phí cho công dân cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình này.