Bảo tồn và phát triển

Trong các buôn làng Tây Nguyên hiện hay, văn hóa cổ đang dần nhạt nhòa. Sự mất dần căn cốt núi rừng thể hiện từ văn hóa vật thể đến phi vật thể.
0:00 / 0:00
0:00

Nhiều vùng bây giờ thật khó phân biệt đó là không gian sống của các dân tộc bản địa hay của người Kinh và các dân tộc mới di cư đến.

Nghi lễ cúng bến nước chỉ còn được “diễn” thưa thớt trong các lễ hội không phải do người dân tự tổ chức. Cồng chiêng và các hình thức nghệ thuật mất dần không gian diễn xướng.

Những đêm kể sử thi, những buổi diễn tấu nhạc cụ dân tộc và các hình thức dân ca, dân vũ đang được cố gắng duy trì qua phong trào văn nghệ nhưng lại thiếu linh hồn, những yếu tố tích cực của hệ thống luật tục không được phát huy.

Nghề thủ công truyền thống như rèn, đan lát, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần cũng tồn tại lay lắt...

Một biểu hiện khác là vốn từ tiếng mẹ đẻ của lớp trẻ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nàn nên thường phải mượn từ tiếng Việt thay thế. Còn rất ít bạn trẻ nhớ và sử dụng được những từ thuộc về văn hóa cổ truyền.

Nguyên nhân có thể do môi trường, điều kiện giao tiếp và thực hành tiếng mẹ đẻ của thế hệ trẻ ngày càng ít đi. Ðiều này càng làm cho họ phai nhạt niềm tự hào dân tộc, dần mất đi tâm hồn và tính cách dân tộc, xa rời những giá trị cơ bản của văn hóa tộc người.

Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến sự biến đổi nêu trên, là sự chi phối của quy luật phát triển lịch sử-văn hóa; sự thay đổi của môi trường tự nhiên, xã hội; vấn đề bản lĩnh văn hóa trong việc xử lý các yếu tố ngoại lai và trách nhiệm của các cơ quan quản lý bởi cách làm áp đặt, chưa thấu đáo.

Sự biến đổi dẫn đến ba nguy cơ sau: Làm biến mất bản sắc văn hóa tộc người; con người Tây Nguyên sẽ mất điểm tựa văn hóa từ đó dẫn đến xa rời cộng đồng, mất phương hướng tự điều chỉnh và tự giáo dục; phá vỡ tính ổn định và phát triển bền vững của xã hội.

Theo chúng tôi, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên hiện nay đang đi đúng hướng, tức là đang thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều công trình nghiên cứu, nhiều chương trình, đề án đã và đang được tiến hành, nhưng đánh giá một cách khách quan thì hiệu quả chưa thật sự cao.

Bởi vậy, cần giải quyết một số vấn đề quan trọng như sau:

- Các công trình nghiên cứu với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cần gắn với việc nghiên cứu kinh tế-xã hội đương đại.

- Khi chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống xã hội cần tiếp tục có sự tư vấn của các nhà khoa học.

- Tránh triển khai các đề án mang tính chủ quan, áp đặt, thiếu khoa học.

- Cần bảo tồn có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn phải gắn liền với khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội.

- Các cơ quan nhà nước đóng vai trò định hướng, quản lý và huy động các nguồn lực phục vụ cho việc nghiên cứu và phục dựng các giá trị cổ truyền nhưng đồng thời cần tránh những sự can thiệp phi chuyên môn...