“Cần câu” và “con cá”

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định và ghi nhận sâu sắc về cống hiến, hy sinh của nhân dân các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Lịch sử dân tộc có một phần tô thắm từ “sông máu, núi xương” của đồng bào đã đổ xuống giữa núi rừng phía tây Tổ quốc trong những năm tháng đánh thực dân Pháp, đuổi đế quốc Mỹ. Không ai có thể quên già trẻ, gái trai các tộc người Ê Đê, Ba Na, Cơ Ho, Mạ, Xtiêng… nhất tề cùng đất nước đứng lên. Trong giai đoạn cách mạng mới, Tây Nguyên vẫn là một phần phên dậu che chắn giang sơn.
0:00 / 0:00
0:00

Do đặc điểm cư trú, nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên lại phải chịu nhiều nỗi thiệt thòi vì không gian cách biệt, thiếu thốn, khó khăn nhiều mặt. Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển các địa bàn miền núi và dân tộc Tây Nguyên. Diện mạo các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng dân tộc ít người đã và đang đổi mới; đời sống kinh tế-xã hội, văn hóa tinh thần ở nhiều buôn làng Tây Nguyên không ngừng khởi sắc.

Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc là đúng đắn, nhất quán, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, trong nhiều năm qua, không ít chính sách cụ thể áp dụng vào thực tế còn chung chung, mang tính áp đặt hoặc khảo sát thiếu khoa học nên chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn tức thời mà chưa thật sự mang tính bền vững. Nhiều chính sách ban hành thiếu luận chứng cụ thể, sát thực về văn hóa tộc người nên tác dụng thấp. Nhiều dự án “đánh trống bỏ dùi” dẫn đến lãng phí, không mang lại hiệu quả.

Dù được bàn nhiều, nhưng đến nay, câu chuyện trao “cần câu” hay “con cá” chưa hẳn đã thật sự ngã ngũ. Các chính sách hỗ trợ cần tính đến mục đích bền vững, nhất là phát huy trách nhiệm của người được thụ hưởng chứ không chỉ là quyền được thụ hưởng. Khuynh hướng đó sẽ tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận đồng bào. Bên cạnh vai trò điều chỉnh của Nhà nước, thay đổi nhận thức của toàn xã hội, thì cần làm sao để đồng bào các dân tộc thiểu số cũng phải tự vượt qua các rào cản mặc cảm, tự ti để tự khẳng định mình, từ đó tạo nên sự chủ động, phát huy sức mạnh nội sinh.

Trong phát triển kinh tế-xã hội, trao “cần câu” là để hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý. Chiếc “cần câu” là hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học-công nghệ và các điều kiện khác nhằm tác động vào sự bền vững sinh kế-đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, chiếc “cần câu” ấy một phần phải do chính đồng bào tạo ra. Củng cố nhận thức về quyền bình đẳng chính trị-văn hóa-xã hội của cộng đồng xã hội là cần thiết, nhưng trước hết cần giúp đồng bào tự ý thức sâu sắc về chính các giá trị, bản lĩnh của mình, từ đó biết cách quý trọng, giữ gìn, phát huy…