Một đêm giữa rừng già

Đêm nay, chúng tôi ngồi đây trong ngôi nhà dài cuối cùng trên vùng đất người Mạ ở xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Chỉ là ngôi nhà dài phục dựng nhưng dù sao nó cũng còn đôi phần sức sống vì gia đình bà Ka Dít vẫn ở trong đó.
0:00 / 0:00
0:00

Chúng tôi lặng lẽ ngắm từng chi tiết kiến trúc và bài trí: này bàn thờ, này bếp, này sàn ngủ, này cầu thang, này chóe, này chiêng… mà cảm xúc dâng lên khó tả. Hơn 20 năm trước, các cán bộ văn hóa đã rất cẩn trọng trong việc thực hiện thiết kế và thi công ngôi nhà này với sự mô phỏng hết sức tinh tế mô hình nhà dài truyền thống.

Để có được ngôi nhà, anh Ngọc Lý Hiển, cán bộ văn hóa của tỉnh Lâm Đồng đã về xứ Mạ, làm con nuôi của ông bà K’Rèn-Ka Dít và sống với Lộc Bắc cả mấy mùa rẫy. Anh đã cùng đồng bào lên rừng chặt cây, chọn mây, cắt lá và thao thức hàng tháng ròng rã để làm sao cho quá trình phục dựng giống nhà dài Mạ cổ truyền đến từng chi tiết. Dù là mô hình phục dựng trên nền nhà cũ, nhưng dù sao thì chúng tôi vẫn cảm nhận ngôi nhà vẫn “dài như tiếng chiêng” - giống mô tả trong trường ca Đam San. Người già buôn Mạ kể rằng, ngày xưa cả buôn hàng trăm người chỉ có dăm, bảy nhà dài thôi, mỗi nhà có khi là cả một đại gia đình, thậm chí là cả dòng họ lên tới hàng trăm người cùng ở. Trong căn nhà có thể có tới cả chục cái bếp, tức là cả chục tiểu gia đình sinh sống. Kiến trúc nhà dài là một phản xạ tự nhiên với môi trường sống. Kiểu cư trú đó là một hình thức tự vệ khi khởi thủy cư dân rừng phải chống chọi với thiên tai, thú dữ, những cuộc chiến tranh bộ tộc, họ cần phải cấu kết đông đúc, mạnh mẽ để sinh tồn…

Và đêm nay, không phải trong mùa lễ Nhô rhe-mừng lúa mới, nhưng không gian ngôi nhà dài của gia đình bà Ka Dít thật ấm áp trong một mối giao tình đặc biệt. Đêm trao truyền âm nhạc truyền thống, đêm mà các nghệ nhân già người Mạ đã dốc trọn tâm huyết và sự hiểu biết cho con cháu của mình, giúp con cháu tiếp nhận những giá trị âm nhạc mà tổ tiên gửi lại. Đêm của người già hòa điệu cùng người trẻ. Đêm của những cư dân các dân tộc khác nhau cùng chung một nhịp điệu cảm xúc. Đêm có cây nêu, có rượu cần, và đặc biệt có dòng thanh âm huyền diệu của cồng chiêng, khèn bầu, sáo tre, kèn môi… cất lên lời của núi non, suối thác, của tiếng lòng những người con của đại ngàn Tây Nguyên.

Sau những nghi lễ thiêng liêng của các chủ nhân buôn Mạ, sau lời khấn mời thần linh chứng giám của già làng K’Diệp như cảm thức vọng về từ ngàn xưa, là những cần rượu trao tay, là những tình người đồng cảm. Trong men say, nhịp chiêng droòng đã thập thùng huyễn hoặc bên bếp lửa giữa nhà. Tiếng kèn bầu gợi cảm, tiếng sáo bre réo rắt. Những nghệ nhân già bước vào vòng tấu chiêng; những người trẻ tiếp bàn tay người già; tạo nên một cuộc trao truyền đầy tâm huyết và giao cảm. Chứng kiến hình ảnh ấm áp và đầy ý nghĩa ấy, chúng tôi như được củng cố thêm niềm tin, rằng ngọn lửa đam mê với âm nhạc truyền thống sẽ không bao giờ tắt ở vùng đại ngàn xa xôi… ■