Hội tụ và giao thoa

Tây Nguyên, nơi quê hương ngàn đời của các tộc người bản địa, nay thêm rộn ràng hương sắc bởi cuộc tụ hội văn hóa nhiều miền. Từ những đợt di dân và chọn miền thượng du này làm quê hương mới, đồng bào từ nhiều vùng trong nước đã mang đến đây hồn cốt cố xứ và bản sắc văn hóa các tộc người. Những giá trị đó góp phần tô điểm đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc thành tấm thổ cẩm hoa văn đa sắc. Giao lưu, tiếp biến và hòa điệu văn hóa là những điều dễ dàng cảm nhận về hình ảnh xứ sở này hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00

Ði, thấy và cảm nhận văn hóa Tây Nguyên đã đậm in những gam màu thơm hương tươi sắc từ nhiều miền quê, từ nhiều tộc người góp mặt. Lời kể trường ca “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu, dân tộc Thái), “Te tấc te đác” (Ðẻ đất đẻ nước, dân tộc Mường) đang quyện trong đêm khan “Ðam San”, “Xing Nhã” của đồng bào bản địa Tây Nguyên. Trên mỗi miền quê đại ngàn nghe văng vẳng tiếng khèn H’Mông hòa cùng giai điệu khèn M’bướt của người Cơ Ho; âm thanh cồng Mường hòa với tiếng chiêng núm, chiêng bằng của người Ê Ðê, Ba Na, Chu Ru; điệu xòe Tây Bắc nối nhịp bước chân cùng điệu xoang Tây Nguyên.

Trong mỗi bữa tiệc liên hoan đoàn kết các buôn làng hôm nay, ngoài những món ăn truyền thống của người Kinh, rồi của đồng bào các dân tộc bản địa như xôi ống, thịt nướng, canh da trâu nấu với cà đắng, rau rừng và những chóe rượu cần thơm nức hương đại ngàn Tây Nguyên, đã có thêm những món ăn từ núi rừng biên cương phía bắc như thắng cố, cơm lam, chẩm chéo chấm với cá nướng, và các loại rượu Sán Lùng, Mẫu Sơn, Bắc Hà hay rượu Cốc Ngù chôn trong hang đá…

Sau các dòng di dân từ ngày xưa, từ sau ngày nước nhà thống nhất, cùng với đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc, người dân từ các vùng đồng bằng Bắc Bộ và duyên hải miền trung đã tiếp tục chọn Tây Nguyên làm quê hương thứ hai theo những làn sóng di cư, cả trong và ngoài kế hoạch. Trên đất Tây Nguyên, nơi nào người dân từ các vùng miền trong nước về tụ cư tập trung thì nơi đó bản sắc văn hóa cố xứ càng hết sức đậm đà. Nó như những mạch nguồn âm ỉ trong dòng chảy đời sống hằng ngày của cư dân, cộng đồng.

Mỗi khi có cơ hội thì dòng chảy ấy trào tuôn làm ấm thêm sắc màu quê mới. Nó thể hiện ở cách đặt tên làng, tên phố, bằng cách lập nên và thực thi những bản “hương ước” kế thừa những mỹ tục, điều phải, lẽ hay từ quê cũ, làng xưa. Nó hiện hữu trong mỗi nét ăn, điều ở, lối sống, ứng xử và những biểu hiện hằng ngày. Những lời ca, điệu múa cổ truyền, những câu tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao từ thuở ông bà vẫn được trao truyền, phát huy trong đời sống hôm nay.

Cái đẹp của văn hóa đã tạo nên sự xích lại gần nhau của các cộng đồng cư dân. Phát huy bản sắc các vùng miền, các tộc người đã tạo nên những không gian lành mạnh, bầu sinh khí, cố kết, những nền tảng nhân văn vững bền trên quê hương mới.