TỪ PHỐ THỊ ĐẾN BUÔN LÀNG

Khoa học và lợi ích

Khoa học đồng nghĩa với chân lý. Ít ra thì, chân lý được tính đến thời điểm mà nghiên cứu cụ thể nào đó được công bố. Trong thực tế, có vẻ như "chân lý khoa học" cũng có giới hạn. Giới hạn đó không thuộc về khách quan, mà thuộc về động cơ của người nghiên cứu, đó là lợi ích. Trong trường hợp này thì nhà khoa học có thể đạt được mục đích nhưng họ mất đi một thứ quan trọng, đó là sự khách quan.
0:00 / 0:00
0:00

Ở Tây Nguyên, nơi có rất nhiều các dự án thủy điện, điện gió, khai thác khoáng sản, sản xuất-kinh doanh công nghiệp, thương mại, chế biến nông sản… Các dự án thường liên quan đến tài nguyên, môi trường, tác động đến sự phát triển bền vững của từng địa bàn xã, huyện, tỉnh, toàn khu vực và lớn hơn là trở thành vấn đề an ninh quốc gia.

Bởi vậy, trước khi hoặc trong khi trình dự án, các chủ đầu tư sẽ hợp đồng với một đơn vị nghiên cứu khoa học hoặc một nhóm các nhà khoa học tiến hành khảo sát, nghiên cứu và thực hiện báo cáo tác động môi trường. Hầu hết các báo cáo thể hiện tính khách quan và khoa học, nhưng không ít báo cáo chiếu lệ, đứng về phía lợi ích của chủ đầu tư.

Lợi ích đã biến những người đáng ra là giữ vai trò phân tích, phản biện lại đứng về phía đối tượng bị phản biện. Trong hoàn cảnh này, có thể thấy, ai chi tiền cho nghiên cứu thì người đó chi phối kết quả nghiên cứu. Và, "chân lý khoa học" cũng không thể vượt qua giới hạn, nó bị người "sản xuất chân lý" bẻ cong theo lợi ích của các "ông chủ"…

Chúng tôi còn nhớ rất rõ một vụ việc điển hình, là việc một nhà đầu tư lập dự án xây dựng hai nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai. Chưa bàn đến vấn đề đúng, sai ở mức độ nào, chỉ biết rằng, sự phản biện lẫn nhau của các nhà khoa học đã nói rõ một sự thật.

Đó là câu chuyện tốn nhiều giấy mực tranh luận trong quá trình "cản đường" và "dọn đường" cho hai dự án thủy điện. Việc xây dựng hai dự án này sẽ tác động trực tiếp đến Vườn quốc gia Cát Tiên, di tích quốc gia đặc biệt, một ứng cử viên sáng giá của "ngôi" di sản thiên nhiên thế giới.

Thời điểm đó, việc xúc tiến hai dự án thủy điện bị dư luận phản ứng quyết liệt. Các chuyên gia của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tỏ ý lo ngại; tỉnh Đồng Nai trình văn bản kiến nghị lên Chính phủ bày tỏ, nếu tính toán lợi hại giữa việc Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và nguồn năng lượng mà hai dự án thủy điện sản xuất ra thì danh hiệu di sản mang lại lợi ích lớn hơn hai dự án rất nhiều.

Chỉ có một nhóm người vẫn nhiệt tình ủng hộ việc triển khai hai dự án này, trong đó có các nhà khoa học thuộc một trường đại học, đơn vị được chủ đầu tư thuê thực hiện báo cáo tác động môi trường.

Từ góc độ chuyên môn, các nhà khoa học phái "cản đường" cho rằng, bản báo cáo tác động môi trường nêu trên chưa tính được khả năng chịu tải của hệ sinh thái và dân cư hạ lưu và cũng chưa thể hiện là lường được những vấn đề, những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu sông Đồng Nai đổi dòng vì phải gánh tới 300 thủy điện lớn nhỏ phía trên.

Họ cũng thẳng thắn: Khi đọc hành văn của tác giả, thấy báo cáo không giấu được chủ ý "cố gắng để chủ đầu tư thắng". Nhiều người chua chát cho rằng, việc để chủ đầu tư trả tiền cho đơn vị đánh giá tác động môi trường như ở Việt Nam chúng ta chẳng khác gì đẩy đơn vị lập đánh giá vào thế "ăn cơm chúa nên phải múa… cho ra bài".

Bởi vậy, muốn khách quan thì đơn vị lập báo cáo tác động môi trường phải là một chủ thể độc lập, mà tốt nhất là thuộc về Nhà nước.