Khơi nguồn sử thi Tây Nguyên

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Đông Nam Á cổ đại là một vùng văn hóa sử thi, trong đó Tây Nguyên là nơi còn giữ được nhiều nhất những đặc trưng thể loại và tồn tại với mật độ cao những tác phẩm của loại hình này so với các nước Đông Nam Á khác.
0:00 / 0:00
0:00

Sử thi Tây Nguyên - hay người Ê Đê gọi là khan, người Ba Na gọi là hăngmon, người Jarai gọi là hríh, người Mơ Nông gọi là ốtnrông… đã ăn sâu, đã sống, đã phát triển hòa vào không gian sinh tồn ngàn đời của cư dân cao nguyên.

Chính nó đã góp phần làm cho không gian đại ngàn càng trở nên kỳ vĩ. Sử thi Tây Nguyên không chỉ tồn tại trong môi trường tiền sử mà trường tồn trong đời sống của các tộc người, bởi chính những giá trị thẩm mỹ lớn lao của nó.

Sử thi là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, là một kho tàng tư liệu về các tộc người cổ xưa. Khơi nguồn sử thi chính là con đường trở về thời tiền sử, tìm về với những giá trị văn hóa bản nguyên đích thực của các tộc người trên vùng đất Tây Nguyên hoang sơ và kỳ vĩ.

Khi nghĩ về Tây Nguyên, hình ảnh thoáng qua đầu tiên trong mỗi chúng ta là chàng Đam San huyền thoại, “vị tù trưởng của các tù trưởng”, biểu tượng người anh hùng bất khuất, là niềm tự hào của các bộ tộc Tây Nguyên. Đó là nhân vật trung tâm trong khan “Đam San” do học giả người Pháp - ông Sabachie, sưu tầm và công bố lần đầu vào năm 1927.

Tiếp đó, ông G.Comdominas đã sưu tầm và dịch thuật sử thi “Đăm ri” cũng của người Ê Đê. Không dừng lại đó, càng ngày những sự phát hiện mới mẻ về sử thi Tây Nguyên lại càng làm chúng ta thêm ngạc nhiên.

Cho đến nay đã có hàng chục bộ sử thi được phát hiện, công bố hoặc chưa công bố như: “Chichơkốk”, “Kinhdú”, “Đămđơroăn”, “Y Prao”, “Mơ Hiêng” (Ê Đê); “Mùa rẫy Bongtiang” (Mơ Nông); “H`Điêu”, “Chin Cheng” (Jarai); “Đăm Noi”, “Xing Chion”, “Diôông” (Ba Na)…

Các nhà nghiên cứu nhận định, Tây Nguyên có hàng trăm bộ sử thi được phát hiện và chưa phát hiện vẫn đang “sống” trong các buôn làng, trong các lễ hội và sinh hoạt văn hóa của cư dân bản địa.

Để cứu lấy và khơi nguồn sử thi Tây Nguyên, một dự án quy mô cấp quốc gia với tên gọi “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” đã được Chính phủ đầu tư hàng chục tỷ đồng, giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp cùng các tỉnh Tây Nguyên thực hiện từ năm 2001 và kéo dài nhiều năm. Đây là một dự án rất có ý nghĩa.

75 bộ sử thi được công bố là những tác phẩm tiêu biểu chọn lọc từ hơn 622 tác phẩm sử thi được phát hiện tại 1.000 buôn làng của 35 huyện, thị xã, thành phố khu vực Tây Nguyên.

Theo lý thuyết của một nhà folklore học người Nga, sử thi Tây Nguyên là sử thi “sống”, tức là nó được sáng tạo nên khi con người chưa có chữ viết. Nó được lưu truyền nhờ vào khả năng nhớ, diễn và kể của các nghệ nhân. Nó “sống” trong không gian núi rừng, trong đời sống dân dã, trong các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa và trong tâm linh của cư dân bản địa.

Chính vì lẽ đó, cố Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Đăng Nhật, một nhà nghiên cứu sử thi, từng rất tâm đắc khi đề xuất ý tưởng: Hãy trả sử thi về cho nhân dân, về với nơi đã sinh ra nó. Sử thi chỉ có thể “sống” thực sự trong không gian đặc trưng. Đó chính là cách tốt nhất để khơi nguồn sử thi Tây Nguyên…