Tây Nguyên có còn “vùng sâu”, “vùng xa”?

Trong ký ức của nhiều thế hệ, Tây Nguyên là miền đại ngàn heo hút, cách trở với thế giới bên ngoài. Ngày nay, miền đất đỏ bazan giàu có tiềm năng được xác định là một trung tâm phát triển đa dạng.
0:00 / 0:00
0:00

Các tỉnh trong khu vực luôn xác định đầu tư phát triển hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất quan trọng.

Bởi lẽ đó, nhiều thập niên qua, Trung ương và các địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện dần hệ thống giao thông tại địa bàn chiến lược này.

Đường bộ, đường hàng không ngày càng thuận lợi đã góp phần kết nối các tỉnh trong khu vực và mở rộng cơ hội giao thương giữa miền cao nguyên đất đỏ với các trung tâm lớn trong nước và các quốc gia cận biên.

Những con đường mở ra nhiều hướng, không chỉ thúc đẩy tiến trình phát triển của các địa phương mà còn tăng cường kết nối, giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng và cả nước. Giao thông nông thôn ngày càng thuận lợi.

Tỉnh Lâm Đồng từ năm 2015 đến nay đã bố trí các nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn (chưa tính các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý) với tổng nguồn vốn hơn 6.000 tỷ đồng, nâng cấp mở rộng 110 km đường tỉnh, 431 km đường huyện, đường đô thị và hơn 2.408m cầu. Đồng thời nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương thành sân bay quốc tế.

Đến nay, hệ thống giao thông của Lâm Đồng tương đối hoàn chỉnh với khoảng 9.300 km đường bộ, trong đó có 19 km đường cao tốc, 507 km đường quốc lộ, 663 km đường tỉnh, 651 km đường đô thị và gần 7.500 km đường huyện, xã, giao thông nông thôn.

Hoạt động vận tải chủ yếu của Lâm Đồng là các tuyến đường bộ, như Quốc lộ 20 nối với Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ 27C nối với các tỉnh miền trung, Quốc lộ 27 nối Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có bảy quốc lộ đi qua, gồm đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, các Quốc lộ 26, 27, 29, 14C và 19C với tổng chiều dài 761,27 km, nối Đắk Lắk với các tỉnh Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh và duyên hải miền trung.

Mạng lưới giao thông nội tỉnh có tổng chiều dài 15.342 km. Đắk Lắk có Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, đạt công suất 2 triệu hành khách/năm…

Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, trên khắp vùng Tây Nguyên không còn nơi nào để thật sự gọi là “vùng sâu”, “vùng xa” nữa. Mạng lưới đường sá chất lượng khá cao, thuận lợi và phủ khắp.

Hầu hết các xã đã có đường ô-tô vào tận trung tâm. Các quốc lộ, tỉnh lộ đã nối mạng thông suốt. Hàng loạt dự án giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai mở ra nhiều hướng phát triển mới cho nhiều địa bàn dân cư hàng trăm năm qua gần như biệt lập bởi khoảng cách địa lý…

Những đôi chân trần ở những miền hun hút ngàn đời quen với lối nhỏ rừng sâu, bấm vào vách đá nay thoải mái đi về trên những nẻo đường thênh thang trải nhựa. Những vùng chuyên canh chè, cà-phê, hồ tiêu, cây ăn quả nổi tiếng đã có thêm nhiều điều kiện giao thương, hạ giá thành sản xuất và nâng cao giá trị hàng hóa.

Hệ thống giao thông phát triển là một trong những tác nhân giúp các vùng khó khăn thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu, giúp cho cuộc sống đồng bào ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.