Những nhịp chiêng làm "vừa lòng khách"

Có một thực tế là ở một số lễ hội và khu, điểm du lịch "văn hóa bản địa", nhiều anh em dân tộc thiểu số đóng khố cởi trần mà chân lại đi giày đinh bóng loáng rồi vũ điệu cồng chiêng của họ gồng mình theo tiết tấu của âm nhạc hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00

Yếu tố "lạ" đã được khai thác triệt để cốt thỏa mãn những cuộc chơi ngắn ngày làm vừa lòng du khách hiếu kỳ. Việc đưa âm nhạc cổ truyền, đưa văn hóa cồng chiêng vào hoạt động du lịch là hết sức đúng đắn; tuy nhiên, điều đáng nói là cần uốn nắn những lệch lạc đáng tiếc.

Âm nhạc Tây Nguyên ra đời giữa đại ngàn, với những tiết điệu khoan thai và phiêu bồng như suối thác, là lời tâm tình thổ lộ đầy nỗi buồn trong lành của những phận người gửi tới lòng nhau và gửi đấng tối cao. Cồng chiêng là một đại diện như vậy. Khi chưa từng đặt chân đến Tây Nguyên, tôi đã từng bị lay động bởi trang văn của L.Sabatier về tiếng chiêng, tiếng cồng khi ông dịch trường ca Ðam San từ ngôn ngữ Ê Ðê qua tiếng Pháp rồi Ðào Hữu Thấu chuyển qua Việt ngữ. Từ khi làm con dân sống nơi xứ thượng, đã bao lần tôi đến với cồng chiêng, cố gắng cảm nhận và lý giải về sự huyền bí của thứ âm nhạc từng tồn tại với không gian núi rừng - cái âm nhạc được chắt lọc từ âm thanh thiên nhiên, hồn cốt xứ sở và căn tính con người nơi đây. Ðó là âm nhạc thiêng, là phương tiện thể hiện tâm trạng và nhu cầu giao tiếp với thần linh, với thiên nhiên và cộng đồng thân thuộc. Tiếng chiêng thay cho điều trải lòng trời đất, là tiếng đời, tiếng phận, nỗi ám ảnh khôn cùng trong những đêm rừng. Tiếng chiêng, tiếng lòng của người chơi chiêng, nó không chỉ còn là âm nhạc, nó hóa thân, nó không cần phô bày.

Không biết là rủi hay may khi tiếng chiêng được thương mại hóa và đi vào đời sống du lịch. Trong hoạt động du lịch, cồng chiêng được khoác lên vai một "sứ mệnh" khác. Vài ba tiếng đồng hồ với rượu cần ủ bằng men hóa học, thịt nướng lấy từ tủ lạnh và thứ cồng chiêng biến dạng chạy theo thị hiếu, du khách thỏa mãn cuộc chơi nhưng đồng thời có những cái nhìn sai lệch và hiểu khác đi về giá trị của cồng chiêng. Cái giá trị thực chỉ đến với người có can dự thật sâu vào đời sống của cư dân miền thượng. Ai trầm luân với nắng mưa xứ sở, với no đói phận người mới thấu cảm những lay động của cồng chiêng Tây Nguyên…

Thế nhưng, khi chúng tôi đưa ra lời nhận định về sự "bát nháo" của cồng chiêng nói riêng và âm nhạc cổ truyền nói chung được cải biên để phục vụ du lịch, đã vấp phải sự phản đối của chính những người con dân tộc bản địa. Một "ông bầu" du lịch cồng chiêng dưới chân núi Lang Bian (Lâm Ðồng) nói: "Nếu không cải biên vũ điệu, tiết tấu vui nhộn theo thị hiếu thì khách có thích không? Không diễn tấu với khách du lịch thì cồng chiêng và các loại hình văn hóa dân gian Tây Nguyên lấy nơi nào mà sống?". Câu hỏi ấy thật khó giải đáp.