Hòa vào dòng xe cộ ngược xuôi, chúng tôi ghé thăm những ngôi nhà sàn khang trang bên đường. Thật vui khi được chứng kiến không khí rộn ràng trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đang cùng chia sẻ với cộng đồng người Kinh niềm vui đón Tết. Nhà nào cũng trang hoàng đẹp đẽ. Cây nêu, rượu cần, hoa cảnh, mứt kẹo, trà thơm đãi khách. Mọi người chúc nhau và chúc chúng tôi những lời thật đẹp. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc đã trở thành ngày hội sẻ chia, ngày hội vui, dịp thư giãn, nghỉ ngơi sau những ngày cật lực mưu sinh của toàn thể cộng đồng…
Nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Trọng Hộ nhận xét: “Hoàn cảnh kinh tế-xã hội chuyển một bước căn bản theo chiều hướng phát triển đi lên, kéo theo đó là sự biến đổi của một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội. Đặc biệt, sự xen cư giữa các sắc tộc đã tạo nên quá trình giao lưu, tiếp biến các yếu tố văn hóa của các dân tộc khác nhau một cách tự nhiên. Khi đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa tổ chức các lễ hội của họ thì người Kinh cũng hòa nhập và chia sẻ.
Tết Nguyên Đán vốn là cái Tết cổ truyền của dân tộc Kinh giờ đây đã trở thành Tết chung của cả cộng đồng. Theo tôi, đó là một nét đẹp, một sự hòa hợp rất giàu ý nghĩa”. Chúng tôi cũng chia sẻ quan điểm đó của nhà nghiên cứu Đặng Trọng Hộ. Từ quá trình xen cư và cộng hưởng văn hóa với người Kinh trong nhiều năm qua, hầu hết các dân tộc anh em gốc bản địa Tây Nguyên đã biết đón Tết và tổ chức vui Tết. Quá trình cộng cư hòa cảm ấy giúp đồng bào hiểu rằng, cái Tết của người Kinh là một sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, là dịp để mọi người xích lại gần nhau hơn, hiểu biết, sẻ chia và yêu thương nhau nhiều hơn.
Ở Tây Nguyên có hàng chục dân tộc anh em hợp cư, sinh sống. Trong đó, riêng các dân tộc bản địa chia làm hai nhóm chính theo ngữ hệ, đó là nhóm Môn-Khơme và nhóm Mã Lai-Đa Đảo. Cùng với họ là những cư dân thiểu số từ phía bắc mới đến nhập cư sau ngày đất nước thống nhất. Các dân tộc anh em có quá trình giao thoa văn hóa sâu đậm với người Kinh, trong đó có “văn hóa Tết”. Văn hóa không phải là một sự “cưỡng chế” mà là một quá trình vận động theo điều kiện sống và theo quy luật khách quan.
Cùng với những nét đặc trưng của mỗi tộc người, bước phát triển đi lên của cuộc sống đã tạo nên một quá trình giao lưu văn hóa thật thú vị và giàu ý nghĩa. Ngày Tết Nguyên đán đã là ngày vui chung của cả cộng đồng. Tết đã đến, mời bạn cùng lên với những người anh em Tây Nguyên, cùng hòa chung không khí đón mừng năm mới với cây nêu trang trí rực rỡ, với bếp lửa đêm rừng rạo rực cùng tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã và hòa vào vòng xoang quấn quyện tình thân…