Nguồn lực tôn giáo là tổng thể các lực lượng vật chất, tinh thần của tôn giáo có khả năng sử dụng để phục vụ cho sự phát triển, trước hết là của chính bản thân tôn giáo, sau đó là đến phát triển cộng đồng xã hội. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, khẳng định: “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định “tôn giáo là một nguồn lực xã hội” và khẳng định quan điểm: Tiếp tục phát huy vai trò, tác động tích cực của tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó, Đảng ta nhấn mạnh yếu tố văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện vùng Tây Nguyên là địa bàn có nhiều tổ chức tôn giáo, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao Đài với tổng số 2,3 triệu tín đồ, gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và hơn 1.300 cơ sở thờ tự. Trong đó, Công giáo có hơn 1,1 triệu tín đồ, khoảng 1.000 chức sắc, hơn 2.500 chức việc và 500 cơ sở thờ tự; Phật giáo có 670.000 tín đồ, khoảng 1.900 chức sắc, 2.800 chức việc và khoảng 570 cơ sở thờ tự. Đạo Tin lành có khoảng 580.000 tín đồ thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1.700 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt…
Thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều năm qua, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng hướng, đúng quy định pháp luật, các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã tích cực huy động sự tham gia của các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo vào sự nghiệp ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp công sức và trí tuệ vào quá trình xây dựng và phát triển quê hương, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo đã phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
“Tốt đời, đẹp đạo” là một phương châm thực hành của tất cả các tôn giáo, bởi trước khi là tín đồ các đạo thì mỗi người dân là những công dân thực thi trách nhiệm của mình trước sự ổn định, phát triển phồn vinh của quê hương, đất nước ■