Bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động

Dù đã có những chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Mới đây, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội công bố danh sách 150 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thành phố chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp thời gian từ 6 đến 24 tháng, với tổng số nợ gần 20 tỷ đồng. Đây chỉ là "số nhỏ" trong số hàng nghìn tỷ đồng các doanh nghiệp còn nợ.

Để khắc phục tình trạng này, hai tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội đã thực hiện 518 cuộc thanh tra, kiểm tra. Số tiền các đơn vị đã nộp để khắc phục nợ tiền là 76 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, đơn vị này cũng đã thực hiện thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 10.137 đơn vị sử dụng lao động, đơn vị nội bộ, cơ sở khám, chữa bệnh, tổ chức dịch vụ thu. Số tiền các đơn vị đã nộp để khắc phục nợ tiền đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là 765,6 tỷ đồng, đạt 81,9% kế hoạch năm.

Theo đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội thành phố, việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm.

Phân tích nguyên nhân khó thu những khoản tiền chậm đóng, khó xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài lý do khách quan do một số đơn vị, doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn sau dịch Covid-19, vẫn có những trường hợp cố tình chây ỳ. Bởi vì, mức xử phạt đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội theo các quy định của pháp luật hiện hành còn nhẹ, cho nên chưa đủ sức răn đe.

Công an thành phố Hà Nội và Bảo hiểm Xã hội thành phố đã ký kết phối hợp liên ngành về phòng, chống tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; theo đó, những đơn vị có hành vi gian lận, cố tình nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị khởi tố điều tra. Tháng 3/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về khắc phục hạn chế, khuyết điểm về số nợ bảo hiểm xã hội tăng cao.

Theo đó, thành phố yêu cầu các bên liên quan kiên quyết xử lý nghiêm hành vi trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong quá trình thanh tra, phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật, thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội không vinh danh, khen thưởng, không xét tham gia đấu thầu và đầu tư dự án đối với các đơn vị, doanh nghiệp có nợ bảo hiểm xã hội trốn đóng, không tham gia đầy đủ cho người lao động. Giải pháp đề ra hết sức cụ thể, đề nghị các cơ quan chức năng nghiêm túc thực hiện để bảo đảm quyền lợi người lao động không chỉ trong Tháng Công nhân năm 2023, mà cho cả những năm sau tiếp theo.