Bắc Kạn giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt thấp

Vì nhiều lý do, tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản của Bắc Kạn hiện đang thuộc vào nhóm thấp nhất cả nước. Địa phương này đang rơi vào tình trạng có tiền nhưng không tiêu được. Nhiều nguồn vốn dự kiến sẽ phải xin gia hạn thời gian thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công kè bảo vệ đường thành phố Bắc Kạn đi huyện Chợ Đồn.
Thi công kè bảo vệ đường thành phố Bắc Kạn đi huyện Chợ Đồn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, tính đến ngày 20/11, tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản toàn tỉnh này mới đạt hơn 30%. Tình trạng này diễn ra ở hầu khắp các dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án do huyện, thành phố làm chủ đầu tư.

Huyện Chợ Mới đang là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân thuộc hàng thấp nhất tỉnh Bắc Kạn. Tính đến đầu tháng 11, việc giải ngân các nguồn vốn bao gồm vốn đầu tư công và vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đều đạt thấp. Trong đó, vốn đầu tư công mới giải ngân đạt gần 18%. Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 40 tỷ đồng cơ bản chưa giải ngân.

Tình trạng có tiền nhưng không tiêu được đang xảy ra ở nhiều dự án trọng điểm. Dự án đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2021, dự án được giao vốn hơn 700 tỷ đồng; năm 2022 được giao tiếp hơn 900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và đầu tư Bắc Kạn, dự báo, dự án này hết năm 2022, nếu hết sức cố gắng cũng sẽ “thừa” ra khoảng 600 tỷ đồng, cần xin gia hạn thời gian thực hiện.

Theo lý giải của chủ đầu tư, dự án giải ngân vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 chủ yếu là tạm ứng. Trong năm 2022, các nhà thầu phải tập trung thực hiện hoàn ứng giá trị đã ứng năm 2021 nên chưa có nhiều khối lượng để thanh toán kế hoạch vốn năm 2022.

Phân bổ vốn muộn là một trong những lý do khiến các địa phương khó triển khai giải ngân hết trong khi vẫn phải đáp ứng đầy đủ quy định, quy trình, thủ tục về xây dựng cơ bản.

Cụ thể, các chương trình mục tiêu quốc gia với tổng vốn hơn 620 tỷ đồng, chiếm hơn 26% tổng số vốn đầu tư năm 2022 của tỉnh Bắc Kạn thì đều được phân bổ trong tháng 8/2022 nên thời điểm hiện tại, hầu hết vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư và chưa có khối lượng. Trong tháng 11, Bắc Kạn được Trung ương cấp bổ sung 110 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, với riêng nguồn vốn vay ODA của Bắc Kạn là 434 tỷ đồng cho 7 công trình chuyển tiếp, việc Quốc hội, Chính phủ giao số vốn vay lại cho tỉnh thấp hơn yêu cầu, trong khi tỉnh chưa bố trí được số còn thiếu nên nhiều hạng mục không thể triển khai.

Bắc Kạn có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, nhiều rừng đặc dụng, tự nhiên, phòng hộ. Vì vậy, hầu hết các dự án đều “chạm” vào rừng. Thời gian để lập hồ sơ đến trình các cấp có thẩm quyền của tỉnh, các bộ, ngành và Chính phủ phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có thể mất từ 6-9 tháng cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn tới tiến độ giải ngân.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu tăng từ 1,5-2 lần làm cho các nhà thầu không triển khai thi công được; giá cát xây dựng tăng từ 3-4 lần so với cả nước; giá cước vận chuyển như xi măng, sắt thép, cát, đá từ nơi sản xuất đến công trình tăng làm tiến độ xây dựng các công trình cầu, cống và sản xuất các cấu kiện bê tông đúc sẵn bị ảnh hưởng mạnh. Nhà thầu có nguy cơ càng làm, càng lỗ nên bắt đầu có dấu hiệu thi công cầm chừng với lý do hợp đồng thi công vẫn còn thời hạn.

Trước tình trạng này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm chất lượng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn Trần Công Hòa cho biết, Sở đã rà soát lại từng dự án, từng chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tham mưu điều chỉnh vốn từ dự án khó giải ngân sang các dự án có khối lượng hoặc có thể giải ngân từ nay đến cuối năm. Bắc Kạn phấn đấu giải ngân từ 75-80% số vốn năm 2022. Số chưa giải ngân được sẽ tham mưu tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện.