Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Bắc Kạn là hơn 2.647 tỷ đồng, chưa bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Tỉnh Bắc Kạn đã chủ động, sớm phân bổ chi tiết hết cho các chủ đầu tư thực hiện.
Nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm tiến độ giải ngân của Bắc Kạn là do các dự án chuyển tiếp khởi công mới trong năm 2021 có tỷ lệ tạm ứng lớn, trung bình khoảng 50%. Năm 2022, các dự án trên vừa phải thực hiện hoàn ứng năm 2021, vừa phải giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.
Trong khi đó, các dự án khởi công mới trong năm 2022 đa phần vừa hoàn thành xong các thủ tục phê duyệt dự án, đang thực hiện các bước tổ chức lựa chọn nhà thầu, chưa thi công trên thực tế. Nguyên nhân chủ quan được Bắc Kạn chỉ ra là một số cấp ủy chưa quan tâm, quyết liệt chỉ đạo triển khai giải ngân. Vì vậy, đến hết tháng 3/2022, tỷ lệ giải ngân của Bắc Kạn mới chỉ đạt hơn 4%.
Trong vòng hơn một tháng qua, Bắc Kạn đã chỉ đạo triển khai “ba đổi mới” trong chỉ đạo triển khai công tác giải ngân. Khắc phục tình trạng cấp ủy “khoán” việc giải ngân cho Ủy ban nhân dân các cấp, Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo, yêu cầu Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy phải rút kinh nghiệm, kiểm điểm về việc chậm tiến độ giải ngân. Đồng thời yêu cầu, việc kiểm điểm công tác giải ngân phải thực hiện tại các kỳ họp định kỳ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu, có lộ trình từng việc cụ thể. Từ đây, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân.
Trước đây, thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được giao theo dõi phụ trách địa bàn thường “ngại” chỉ đạo, đôn đốc về công tác giải ngân vì cho rằng đây là vấn đề tế nhị. Điều này làm giảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng và cũng giảm đi vai trò đôn đốc, giám sát, vào cuộc của cấp ủy. Vì vậy, từ tháng 4/2022, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã yêu cầu thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa phương phải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện chỉ đạo về công tác giải ngân.
Đổi mới thứ ba là việc Bắc Kạn yêu cầu lên kịch bản các phần việc từng dự án chi tiết đến từng ngày. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn Trần Công Hòa cho biết, trước đây các dự án thường chỉ giao khung thời gian hoàn thành nên nếu chủ đầu tư, nhà thầu thi công chỉ lơi là thì tiến độ lập tức bị ảnh hưởng. Nay, toàn bộ các phần việc có mốc thời gian ngày nào phải xong, là thời gian biểu buộc các chủ đầu tư, nhà thầu phải vào cuộc quyết liệt. Chúng tôi đã xây dựng xong biểu mẫu tiến độ thể hiện trình tự các bước song song trong công tác tư vấn giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan đến đất, rừng...
Tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các chủ đầu tư lập lại biểu tiến độ chi tiết của tất cả các dự án đầu tư công trình trọng điểm. Đến ngày 30/6 phải xong các thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp, giải ngân vốn đối với các dự án triển khai thi công trong đầu tháng 7/2022. Trước ngày 25 hằng tháng, các chủ đầu tư phải báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện. Tỉnh đưa một số công trình, dự án vào diện giám sát đặc biệt để theo dõi, đôn đốc hằng tuần, như: dự án xây dựng đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, dự án xây dựng sân vận động tỉnh và các hạng mục phụ trợ, dự án đường vào hồ Nặm Cắt (thành phố Bắc Kạn), dự án xây dựng hạ tầng giao thông khu vực chung quanh hồ Ba Bể...
Nhờ các giải pháp cụ thể, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nên sau hơn một tháng, tiến độ giải ngân của Bắc Kạn từ chỗ thấp nhất cả nước đã nâng lên hơn 15%, cao hơn cùng kỳ năm 2021, gần bằng bình quân chung cả nước. Quan trọng hơn là những chuyển biến này sẽ giúp Bắc Kạn đủ khả năng đưa tỷ lệ giải ngân trong gần một tháng nữa (đến ngày 30/6) sẽ bằng bình quân chung cả nước.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên, đối với một số dự án chưa phê duyệt đầu tư, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Các chủ đầu tư phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
Để khắc phục các nguyên nhân khách quan, thúc đẩy tiến độ giải ngân, tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Trung ương giao bổ sung vốn ODA vay lại năm 2022 cho tỉnh Bắc Kạn là 34 tỷ đồng để đủ điều kiện giải ngân hết số kế hoạch vốn ODA cấp phát được giao. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp thẩm quyền chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh theo một định mức về diện tích nhất định (có thể phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích dưới 20ha) để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.