Nguy cơ “vỡ” kế hoạch giải ngân ở Bắc Kạn

NDO -

Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên đến hết quý I/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bắc Kạn mới chỉ đạt hơn 4%, thuộc hàng thấp nhất cả nước. Nhiều khó khăn, hạn chế chủ quan và khách quan đang làm tăng nguy cơ "vỡ" kế hoạch đã đề ra.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công dự án cầu Đội Kỳ bắc qua sông Cầu (thành phố Bắc Kạn). 
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công dự án cầu Đội Kỳ bắc qua sông Cầu (thành phố Bắc Kạn). 

Dự án đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) là dự án lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn triển khai trong giai đoạn 2021-2025, với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Dự án đã động thổ từ cuối tháng 11/2021, nhưng đến nay các nhà thầu mới bắt đầu thi công được. Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ giải ngân của dự án là do quá trình thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án kéo dài quá lâu, mất khoảng 8 tháng. 

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Kạn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, dự án thi công đường mở mới, đi qua nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng sản xuất, rừng phòng hộ vì vậy diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng lớn. Do vậy, quá trình rà soát, lập hồ sơ, thẩm định cần kỹ càng, mất nhiều thời gian. Đến ngày 22/3/2022, Chính phủ mới có chủ trương đồng ý việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án nên đến đầu tháng 4/2022, các nhà thầu mới bắt đầu có thể triển khai thi công tại hiện trường. 

Đối với dự án này, năm 2021, các nhà thầu đã ứng vốn hơn 700 tỷ đồng; vốn của năm 2022 cần giải ngân là hơn 900 tỷ đồng. Như vậy, với quãng thời gian còn lại của năm 2022 chỉ còn hơn 8 tháng, trong khi mùa mưa bão sắp bắt đầu, việc giải ngân tổng vốn hơn 1.600 tỷ đồng là khối lượng công việc cực lớn. 

“Chúng tôi phấn đấu đến ngày 15/4 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công; đồng thời, tăng cường đôn đốc, giám sát, tháo gỡ khó khăn từng ngày để quyết tâm hoàn thành cao nhất mục tiêu giải ngân của dự án”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh là hơn 2.738 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; vốn ngân sách Trung ương tăng thêm năm 2022; kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài). Tính đến cuối tháng 3/2022, số đã giải ngân là hơn 104 tỷ đồng, bằng 4,0% kế hoạch. 

Giải ngân vốn xây dựng cơ bản ở Bắc Kạn đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, các dự án chuyển tiếp có tổng vốn 961 tỷ đồng, đều là dự án khởi công mới trong năm 2021 với tỷ lệ đã thanh toán tạm ứng lớn, trung bình khoảng 50%. Năm 2022, các dự án trên vừa phải thực hiện hoàn ứng năm 2021 vừa phải giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 được giao là khối lượng công việc lớn không dễ thực hiện. Đối với các dự án khởi công mới trong năm 2022 có tổng vốn 727 tỷ đồng thì đa phần vừa hoàn thành xong các thủ tục phê duyệt dự án, đang thực hiện các bước tổ chức lựa chọn nhà thầu, chưa thi công trên thực tế. 

Đối với các dự án ODA, Bắc Kạn có tổng vốn 434 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang. Theo cơ chế tài chính của từng dự án, để đủ điều kiện giải ngân hết số vốn trên thì phải bố trí số vốn ODA vay lại theo tỷ lệ vay tương ứng từng dự án với tổng số tiền hơn 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên cơ sở số dư nợ dự kiến vay lại của tỉnh tại thời điểm tháng 10/2021, Quốc hội và Chính phủ đã giao tổng số vay lại trong năm 2022 của tỉnh Bắc Kạn là 16 tỷ đồng. Như vậy, với tổng số vốn vay lại được giao như trên, tỉnh sẽ không đủ điều kiện để giải ngân hết toàn bộ số vốn ODA cấp phát 394 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao. 

Dự kiến trong năm 2022, tỉnh Bắc Kạn sẽ được Trung ương bổ sung thêm kế hoạch vốn từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vốn ngân sách trung ương tăng thêm năm 2022… Trong khi đến thời điểm hiện tại, việc chuẩn bị danh mục dự án, chuẩn bị đầu tư và các thủ tục có liên quan chưa thực hiện xong.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, hiện không còn quy định về hình thức ủy thác quản lý dự án, pháp luật về xây dựng hiện hành chưa phân định được rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm của các bên đối với các nhiệm vụ cụ thể của dự án, gây ảnh hưởng đến tính chủ động của các bên khi triển khai nhiệm vụ, lúng túng trong công tác quản lý chi phí đầu tư. Một số chủ đầu tư chưa chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thực hiện các thủ tục chưa chủ động, chưa khoa học, một số công việc có thể triển khai thực hiện song song nhưng chủ đầu tư vẫn áp dụng theo cách làm cũ, làm việc theo trình tự.

Trước việc tiến độ giải ngân thấp, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh đã chỉ rõ, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan vẫn còn nhiều, tính chủ động của một số chủ đầu tư chưa cao, phối hợp chưa tốt, một số cấp ủy và chủ đầu tư chưa sát sao, chưa quyết liệt.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn yêu cầu các chủ đầu tư phải rút kinh nghiệm, tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu dự án; chủ động, sáng tạo trong thủ tục triển khai dự án; cập nhật kịp thời các văn bản quy định mới; kiểm soát tốt, không để xảy ra thất thoát. Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện ủy, thành ủy, các chủ đầu tư cần chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; cương quyết xử lý đối với chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu yếu kém.

Bắc Kạn phấn đấu đến ngày 30/9/2022, tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 60% và hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn vào cuối năm.