Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố có 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất do chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt; 324 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Có 22 dự án có quyết định thu hồi đất, nhưng đến tháng 3/2021, vẫn còn 18 dự án chưa được thu hồi đất trên thực tế.
Trước thực trạng này, cuối tháng 7/2021, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục có báo cáo về kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND thành phố thực hiện kết luận giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. HĐND thành phố kiến nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết, có kế hoạch, lộ trình khắc phục sai phạm. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chậm thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kiến nghị của Đoàn giám sát của HĐND thành phố trong việc khắc phục tồn tại, vi phạm của các dự án sử dụng đất chậm triển khai được nêu.
Đến ngày 13/8/2021, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và xử lý các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất tại các dự án vốn ngoài ngân sách, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chậm thực hiện; kiên quyết thực hiện chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi đất do không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật...
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài biện pháp thu hồi để thực hiện nghiêm túc Luật Đất đai, thành phố nên tính tới biện pháp đánh thuế bất động sản. Khi phải chịu mức thuế cao, mọi chủ sở hữu bất động sản đều phải tìm cách khai thác triệt để nhằm thu lợi nhuận cao nhất để trả thuế. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, trước tiên, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về: quy hoạch, kế hoạch sử dụng, thanh tra xử lý vi phạm về kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất cần quy định rõ hơn về tính chất, loại dự án để giao đất; đăng ký đất đai, thủ tục tách thửa, hợp thửa và chứng nhận dồn điền đổi thửa...
Tình trạng dự án, công trình xây dựng bị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí mà còn mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc dư luận. Để xóa bỏ tình trạng này, rất cần các biện pháp phối hợp của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình triển khai dự án, nhưng cũng kịp thời xử lý dấu hiệu vi phạm phát sinh. Nếu trong một thời gian nhất định, chủ đầu tư không thực hiện dự án cần thiết phải thu hồi, hoặc giao cho một nhà đầu tư khác có năng lực.