Xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc

Sau ba năm phấn đấu (2020-2022), xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã sớm hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng cán bộ và nhân dân địa phương luôn xác định “trong xây dựng nông thôn chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”.
0:00 / 0:00
0:00
Phong trào dân vũ ở xã Nam Tân (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) góp phần nâng cao sức khỏe và tạo ra nét đẹp văn hóa làng quê.
Phong trào dân vũ ở xã Nam Tân (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) góp phần nâng cao sức khỏe và tạo ra nét đẹp văn hóa làng quê.

Theo ông Trịnh Đại Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Tân, sau khi được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2019, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Nam Tân tiếp tục bắt tay vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Từ năm 2019 đến nay, xã đã huy động hơn 300 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội, cơ sở vật chất cho giáo dục, các công trình phục vụ dân sinh, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

Xã Nam Tân đã dồn lực nâng cao cơ sở vật chất, tạo diện mạo mới, khang trang cho các trường học trên địa bàn. Trong số 44 tỷ đồng thực hiện tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, xã dành 15 tỷ đồng cho giáo dục. Mỗi trường của xã đều xây dựng mô hình giáo dục thể chất để học sinh rèn luyện kỹ năng, sức bền; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Ngoài giờ học trên lớp, các trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh như tổ chức hành trình về nguồn, hành trình về “địa chỉ đỏ” gắn với di tích lịch sử trên địa bàn huyện như: Khu di tích lịch sử Đình Đầu, nơi thành lập Tỉnh ủy Hải Dương; Nhà Bia, nơi thành lập Phủ ủy Nam Sách tại xã Hợp Tiến; Khu tưởng niệm Bác Hồ ở xã Nam Chính; Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Nhà truyền thống huyện...

Qua đó, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo cho học sinh; giúp các em hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử của cha ông trên chính mảnh đất quê hương. Đến nay, cả ba trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia; trong đó có hai trường đạt chuẩn mức độ 2.

Xã đã xây dựng mô hình thôn thông minh; xây dựng 26 mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế cao; xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera an ninh; xây dựng các mô hình về an ninh trật tự, các tổ phòng cháy, chữa cháy; lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại nhà văn hóa thôn, hệ thống camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính, thành lập trang thông tin thôn, xóm, đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện... Các điểm công cộng đều được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời. Trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ở Nam Tân việc phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình đã được phân ra ba loại là, rác tái chế, rác vô cơ (không tái chế) và rác hữu cơ. Việc thu gom và xử lý rác được hợp tác xã vệ sinh môi trường thu gom 4 buổi/ tuần. Rác hữu cơ thu gom vào thứ hai và thứ năm; rác vô cơ thu gom vào thứ tư và thứ bảy. Qua theo dõi hệ thống camera, người vứt rác bừa bãi sẽ bị xử lý nghiêm. Hiện tượng rác thải để bừa bãi tại các điểm công cộng đã giảm đến 90%, lượng rác thu gom vận chuyển về điểm tập kết tập trung của xã giảm 40%.

Nam Tân đã tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết sản xuất như: trồng bắp vụ đông ở thôn Trung Hà; cấy lúa bằng máy, phun thuốc sâu bằng thiết bị bay không người lái ở tất cả 5 thôn; nuôi cá đồng tại thôn Quảng Tân, Đột Hạ, Trung Hà và Long Động đã mang lại hiệu quả cao.

Việc sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho cây trồng không chỉ tăng hiệu quả sử dụng thuốc, mà còn giảm chi phí, giảm công lao động và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nông dân. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở xã Nam Tân đạt 78,3 triệu đồng/năm; giá trị 1 ha đất trồng trọt và thủy sản đạt 205 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%.

Xây dựng nông thôn mới “thông minh”, các cơ sở bán buôn, bán lẻ, các kệ hàng bán rau mắm ở Nam Tân hầu hết đều thiết kế và đặt bảng mã quét QR. Mọi người dân dùng điện thoại thông minh quét mã QR để giao dịch, mua bán hàng hóa là chuyện thường ngày.

Thôn Đột Hạ có 112 hộ lắp đặt camera giám sát (chiếm hơn 41% số hộ). Thôn có hạ tầng băng thông rộng cáp quang phủ 100% số hộ; đã có 196 hộ (hơn 72%) lắp đặt kết nối internet; 96% số người trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh và mạng di động 4G...

Ông Bùi Văn Thơm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đột Hạ chia sẻ: Công nghệ hiện đại đã góp phần xây dựng nên các khu dân cư “thông minh”, phát triển thương mại điện tử, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự trong thôn, xóm.

Với gần 20 camera giám sát lắp đặt tại các ngõ xóm, các tuyến đường trục chính, các điểm nút giao thông, cán bộ thôn, xã chỉ cần mở máy điện thoại là có thể nắm bắt được tình hình trong thôn bất cứ thời điểm nào trong ngày. Việc xây dựng các khu dân cư thông minh chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc.

Chị Nguyễn Thu Hà (thôn Đột Hạ) cho biết: Ở xã Nam Tân phần lớn người dân đều biết sử dụng các nền tảng mạng xã hội để thực hiện thanh toán tiền điện, nước, mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nhiều nhóm Zalo về cải cách hành chính, về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, dịch vụ thương mại, khoa học kỹ thuật... đã được thành lập.

Mỗi nhóm Zalo có từ vài chục người đến 300 người tham gia. Nhờ vậy đã giúp cán bộ thôn điều hành trực tuyến, kết nối giữa cán bộ thôn với người dân, tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chung của thôn, xóm và toàn xã được kịp thời, thuận lợi.