Xây dựng nhà máy thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương, tỉnh Bắc Ninh và Samsung Electronics Việt Nam về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam tiếp tục triển khai dự án Hỗ trợ, tư vấn, phát triển nhà máy thông minh trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam khảo sát việc triển khai xây dựng nhà máy thông tin tại Công ty cổ phần Manutronics Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam khảo sát việc triển khai xây dựng nhà máy thông tin tại Công ty cổ phần Manutronics Việt Nam.

Chương trình này đã mang lại hiệu quả đối với các doanh nghiệp tham gia và tác động tích cực cho sự phục hồi của kinh tế tỉnh Bắc Ninh, góp phần duy trì chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước phát triển bền vững.

Dự án Hỗ trợ, tư vấn, phát triển nhà máy thông minh được khởi động từ tháng 5/2022, tại bảy doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, gồm: Công ty cổ phần Hanpo Vina; Công ty Sản xuất và Kinh doanh Thịnh Vượng; Công ty Trần Thành; Công ty cổ phần Manutronics Việt Nam; Công ty Công nghiệp Chiến Thắng; Công ty Nhựa An Lập và Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện Postef.

Trong thời gian ba tháng, các chuyên gia Hàn Quốc của Samsung tiến hành khảo sát, đánh giá tại các doanh nghiệp; trực tiếp tư vấn, đào tạo và hỗ trợ xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin… qua đó, giúp cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Trước đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trần Thành, ở Khu công nghiệp Tiên Sơn, mất khá nhiều thời gian quản lý và giám sát chất lượng qua các công đoạn. Sau khi tham gia dự án, được chuyên gia tư vấn cải tiến quy trình, tối ưu hiện trường sản xuất, nâng cấp và đồng bộ hệ thống quản lý, đã tạo thuận lợi cho cả người vận hành và cán bộ quản lý.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trần Thành, Nguyễn Xuân Dũng, chương trình đã mang lại hiệu quả tích cực giúp giảm thời gian tổng hợp báo cáo từ 5 phút xuống còn 1 phút; giảm thời gian tìm kiếm nguyên liệu từ 15 phút xuống còn 2 phút; giảm thời gian kiểm tra số lượng tồn kho tức thời từ 8 phút còn 2 phút; giảm thời gian check vật tư thay thế từ 15 phút còn chưa đến 1 phút; hiệu suất sử dụng kho tăng 26%…

Nhà máy thông minh là sự chuyển đổi từ hệ thống sản xuất truyền thống sang sử dụng máy móc và áp dụng sức mạnh của khoa học-công nghệ, có khả năng kết nối và xử lý dữ liệu liên tục.

Ông Kweon Hyeogchel, Cố vấn của Samsung Việt Nam cho biết: Sau ba tháng được các chuyên gia Samsung hỗ trợ, các doanh nghiệp tham gia dự án đã cải thiện mức độ nhà máy thông minh từ 0,4 đến 1,7 điểm so với hiện trạng ban đầu. Trong đó, một số doanh nghiệp đạt gần 3 điểm trong thang điểm tối đa là 5,0, tương đương với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc.

Hoạt động tư vấn, hỗ trợ đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường kết nối, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ được mở rộng và hiệu quả hơn nữa, góp phần cho sự ổn định và phát triển chung của kinh tế-xã hội tỉnh.

Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh

Trên cơ sở những kết quả tích cực ấy, từ tháng 6/2023, Dự án Hỗ trợ, tư vấn, phát triển nhà máy thông minh tiếp tục được triển khai tại năm doanh nghiệp tại Bắc Ninh, gồm: Công ty In Hồng Hà, Công ty cổ phần Vinasaco - Nhà máy Namu, Công ty cổ phần Tiến Thành, Công ty cổ phần đầu tư AMA Holdings, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất, nhập khẩu bao bì Thăng Long.

Cuối tháng 8, tại Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất, nhập khẩu bao bì Thăng Long (thành phố Từ Sơn), Bộ Công thương, tỉnh Bắc Ninh và Samsung Electronics Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết Dự án. Theo Giám đốc Công ty bao bì Thăng Long, Nguyễn Minh Ngọc, được sự hỗ trợ của các chuyên gia Samsung, nhà máy thông minh của công ty đã nâng từ mức 0,8 lên 3,0 (mức tối đa 5,0), tạo bước ngoặt trong việc xây dựng hệ thống quản lý, vận hành, giám sát tự động, ứng dụng chuyển đổi số, giảm thời gian ghi chép, nâng cao năng lực quản lý kết quả sản xuất, bảo đảm độ chính xác; cải tiến chất lượng các công đoạn trong sản xuất, cải tiến hiệu suất thiết bị; tăng năng suất, giảm chi phí tồn kho,…

Phát biểu tại lễ tổng kết Dự án Hỗ trợ, tư vấn, phát triển nhà máy thông minh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh những ưu việt; đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp tham gia dự án cần phát huy hơn nữa tính hiệu quả mà nhà máy thông minh mang lại, góp phần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cam kết: Samsung sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình phát triển, trở thành các doanh nghiệp vững mạnh, với năng lực cạnh tranh tiêu chuẩn toàn cầu.