Xây dựng lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử bán lẻ xăng, dầu

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các điều kiện về cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu từ các cơ quan quản lý, song cũng bày tỏ, nêu ý kiến về việc cần một lộ trình phù hợp để doanh nghiệp kịp thời thích nghi, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00

Cả nước hiện có hơn 17.000 cửa hàng xăng, dầu, nhưng đến nay chỉ có hơn 2.700 cửa hàng thực hiện xuất hóa đơn bán lẻ với người mua, trong đó, 16% số cửa hàng thực hiện xuất hóa đơn này thuộc hai doanh nghiệp là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề xuất hóa đơn điện tử cho bán lẻ xăng, dầu được Chính phủ rất quan tâm khi chỉ trong vòng một tháng, Thủ tướng liên tiếp có hai công điện rốt ráo yêu cầu ngành thuế triển khai các hoạt động liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu.

Việc triển khai hóa đơn điện tử góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chống thất thu và tăng thu ngân sách nhà nước. Đây cũng là giải pháp giúp tăng cường công tác quản lý thuế, tạo thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Tuy vậy, trước thay đổi này, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu tư nhân bày tỏ, việc triển khai hóa đơn điện tử đặt ra nhiều áp lực lớn, trong đó có vấn đề tài chính. Theo ước tính, một cửa hàng xăng, dầu để hoàn tất hạ tầng này cần đầu tư từ 400-700 triệu đồng...

Vấn đề này cần có thời gian và lộ trình cụ thể để triển khai, bởi hầu hết doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19. Đứng ở góc độ pháp lý, mỗi chính sách mới ra đều có ưu điểm và nhược điểm. Hóa đơn điện tử có ưu điểm không mất mát, tránh được cháy nổ, tổng hợp thống kê quyết toán thuế thuận lợi, chi phí rẻ hơn hóa đơn giấy.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần có sự nhất quán, thống nhất trong thực thi chính sách, phần mềm,... để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là ngành thuế áp dụng chính sách, triển khai pháp lý từ trên xuống, cần quan tâm đến hoàn cảnh thực tế của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu đã trải qua những năm kinh doanh rất khó khăn.

Tổng cục Thuế cần công khai danh sách những đơn vị công nghệ uy tín để doanh nghiệp có thể lựa chọn giải pháp an toàn, giá thành tốt; đồng thời, trong quá trình thực thi chính sách, ngành thuế phải luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt công nghệ; hỗ trợ các nhà cung cấp giải pháp và doanh nghiệp trong mọi tình huống.

Trong nỗ lực xây dựng chính phủ số của Chính phủ, hóa đơn điện tử là xu hướng tất yếu và đã được luật hóa. Việc triển khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử là tất yếu, là bình thường và buộc phải thực hiện nên các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị sẵn tâm thế để thực hiện chính sách một cách hiệu quả nhất.