Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố năm 2024, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, triển khai các chương trình phát triển thương mại điện tử; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng an tâm tham gia giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử…
0:00 / 0:00
0:00
TikToker hỗ trợ tiểu thương chợ Bến Thành livestream bán hàng qua internet. (Ảnh THẾ ANH)
TikToker hỗ trợ tiểu thương chợ Bến Thành livestream bán hàng qua internet. (Ảnh THẾ ANH)

Để đạt được những mục đích nêu trên, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; trong đó, tổ chức khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố để kịp thời nắm bắt thực tiễn phát sinh, xây dựng chính sách quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp; tổ chức nghiên cứu thị trường, cập nhật định kỳ cơ sở dữ liệu về các giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn.

Đồng thời, các sở, ngành, đơn vị rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách có liên quan thương mại điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử; triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử về xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ; triển khai công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra, thanh tra công tác quản lý nhà nước về thuế trong thương mại điện tử.

Trong nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử, ngành công thương giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Sở Công thương thành phố cần tổ chức nghiên cứu thị trường, cập nhật định kỳ cơ sở dữ liệu về các giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời cập nhật thông tin, bám sát tình hình, nhận định xu hướng phát triển thương mại điện tử, làm cơ sở để xây dựng giải pháp thúc đẩy phát triển và quản lý nhà nước về thương mại điện tử; xây dựng nguồn dữ liệu liên kết, đối chiếu giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát về thuế, nguồn gốc hàng hóa, chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, quyền lợi người tiêu dùng...; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung-cầu, công tác truyền thông, đào tạo, cung cấp thông tin... bằng nhiều phương thức nhằm tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thương nhân... nhanh chóng tiếp cận, thích ứng, khai thác hiệu quả lợi ích to lớn của thương mại điện tử; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thương mại điện tử đến các tổ chức, cá nhân, đơn vị nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử; tập trung triển khai nội dung về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử theo Quyết định số 2390/QĐ-SCT ngày 13/9/2023 của Sở Công thương (về ban hành Kế hoạch triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025).

Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp thành phố rà soát, tham mưu việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử; chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan triển khai mô hình thúc đẩy thương mại, quảng bá du lịch, văn hóa và lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh qua các nền tảng trực tuyến...