Giúp học sinh nói không với ma túy

Trường học vốn được xem là môi trường an toàn thì giờ đây cũng đang bị tệ nạn ma túy đe dọa xâm nhập. Do đó, công tác giáo dục phòng chống tệ nạn ma túy trong học đường trở nên cấp thiết. Đáng lo ngại, ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm có chứa ma túy và các chất gây nghiện với nhiều chủng loại, mẫu mã khác nhau; tội phạm liên quan đến ma túy ngày càng phức tạp.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc thi vẽ tranh nghệ thuật của học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc thi vẽ tranh nghệ thuật của học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2023, tổng số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 24 nghìn người, trong đó tỷ lệ xâm nhập ma túy vào giới trẻ ngày càng tăng.

Theo nhận định, thời gian tới, trên địa bàn thành phố, các đối tượng sẽ tăng cường nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để lôi kéo thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên sử dụng ma túy tổng hợp và các loại ma túy mới thay thế cho các loại ma túy truyền thống.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết kế hoạch phối hợp giữa hai đơn vị triển khai chương trình tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2030. Cụ thể, hai đơn vị phối hợp thực hiện các nội dung: Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy; xây dựng và hình thành kỹ năng phòng tránh tệ nạn ma túy cho học sinh.

Chỉ đạo các trường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn, hội, đội trong công tác phòng chống ma túy, đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu pháp luật về phòng chống ma túy, thi sáng tác các tác phẩm, tiểu phẩm, thi văn nghệ về chủ đề này trong học sinh.

Hai đơn vị tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình phòng chống ma túy hiệu quả trong các trường giáo dục phổ thông trên toàn thành phố; thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy vào các hoạt động giáo dục ở tất cả các bậc học với các hình thức phong phú, đa dạng...; đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động cao điểm phòng chống ma túy trong học sinh hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy, Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng chống ma túy hằng năm.

Xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch phối hợp các mô hình phòng chống ma túy bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực chung quanh trường học; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy tại các trường học trên địa bàn. Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với ngành giáo dục trong việc chủ động, kịp thời phát hiện, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trong các trường, cũng như rà soát, phát hiện người nghiện là cán bộ giáo dục, học sinh để đề nghị áp dụng các biện pháp cai nghiện, thực hiện công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là cán bộ giáo dục, học sinh trong nhà trường…

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn đẩy mạnh công tác phối hợp với Công an thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các đợt tuyên truyền, chương trình tập huấn công tác phòng chống ma túy cho đội ngũ ban giám hiệu, giáo viên, học sinh, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Ngành giáo dục đang triển khai xây dựng mô hình trường học hạnh phúc. Với mô hình này, ngoài việc chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng dạy và học, mỗi trường học còn xây dựng không gian học tập an toàn cho học sinh...

Tuy nhiên, để công tác phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục đạt hiệu quả, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với các trường học, gia đình học sinh để tạo sức mạnh tổng hợp, tạo ra hành lang bảo vệ học sinh, tạo sức đề kháng giúp học sinh có kỹ năng nhận diện và kiên quyết nói không với ma túy.