Khuyến khích phát triển giao thông xanh, giảm phát thải

Ngày 30/1, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 367/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch trong khu vực thành phố gồm các Quận 1, 4, 5 và 6. Số lượng phương tiện hoạt động tối đa 20 xe bốn bánh sử dụng năng lượng điện với số chỗ từ 5 đến 41 chỗ; thời gian triển khai từ quý I/2024 đến hết năm 2025, do Công ty TNHH Saigon Public Transport đăng ký thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00

Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân thành phố về đề nghị trình Hội đồng nhân dân thành phố xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với cá nhân, hộ gia đình thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch tại huyện Cần Giờ. Việc thí điểm sẽ được thực hiện tại huyện Cần Giờ trước khi triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố. Nếu thực hiện chính sách này, ước tính huyện Cần Giờ sẽ có hơn 34.500 xe máy sử dụng xăng chuyển đổi sang xe máy điện; hơn 2.200 hộ nghèo và hơn 2.600 hộ cận nghèo tham gia đề án được hỗ trợ... Đây cũng là cơ chế đặc thù mà Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội.

Trên đây là hai trong số những chương trình rất thực tế mà thành phố đang “kích hoạt” nhằm đẩy mạnh xanh hóa hệ thống giao thông đô thị bằng việc đầu tư các phương tiện, cơ sở hạ tầng, tuyên truyền vận động để hướng tới NetZero, qua đó xây dựng và bảo vệ môi trường sống thân thiện, hạn chế phát thải. Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, các giải pháp thúc đẩy giao thông xanh một cách mạnh mẽ đã được thành phố triển khai thời gian qua như chuyển đổi hàng nghìn phương tiện xe buýt chạy bằng dầu sang khí CNG. Cùng với đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đưa ra lộ trình: Từ năm 2025, 100% số xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; từ năm 2030 tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50% (1.874 xe buýt chuyển đổi sang năng lượng điện, năng lượng xanh). Tháng 12/2021, Sở Giao thông vận tải thành phố đã triển khai mô hình thí điểm cho thuê xe đạp công cộng ở Quận 1 với 43 trạm và 388 xe đạp công cộng (trung bình mỗi ngày thu hút được 700 người đăng ký mới) bước đầu đạt kết quả khả quan, sắp được nhân rộng ra toàn thành phố. Đầu năm 2022, thành phố đưa vào vận hành 15 xe buýt điện tuyến D4 (Vinhomes Grand Park-bến xe buýt Sài Gòn). Mới đây, năm 2023, Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông Minh đã đưa vào khai thác 600 xe taxi điện trên địa bàn thành phố...

Như vậy, thực hiện Quyết định số 876/QÐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan được ngành giao thông vận tải thành phố đi đầu, chuyển động mạnh mẽ giúp tăng cường bảo vệ môi trường, hướng đến sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Giao thông xanh không những đáp ứng nhu cầu đi lại của số đông người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng bộ mặt đô thị hiện đại và văn minh.

Muốn những chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon đạt kết quả cao, được nhân rộng hơn, thu hút các nhà đầu tư tham gia, thành phố cần tăng cường trang bị cơ sở hạ tầng làm bước đệm trong các chương trình chuyển đổi, dành một khoản kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trạm sạc điện, trạm cung ứng nhiên liệu CNG vì hiện nay còn quá ít, chưa có sự chia sẻ và kết nối; nhanh chóng hoàn thiện chính sách trợ giá cho loại hình xe buýt chạy bằng khí CNG, có chính sách vay vốn ưu đãi chuyển đổi phương tiện đối với các doanh nghiệp vận tải. Ngành giao thông vận tải vẫn là lĩnh vực có lượng phát thải lớn, chiếm hơn một phần tư lượng phát thải của thành phố, vì vậy các giải pháp và biện pháp đột phá, đồng bộ chính là chìa khóa để thúc đẩy sự chuyển đổi này ■