“Cánh tay nối dài” cho hệ thống y tế cơ sở

Cuối năm 2023, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND, ngày 11/11/2023 quy định về mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố, với kinh phí dự kiến thực hiện trong năm 2024 gần 100 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Thành công của những đợt uống Vitamin A tại phường, xã hằng năm có sự đóng góp nhiệt tình của cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.
Thành công của những đợt uống Vitamin A tại phường, xã hằng năm có sự đóng góp nhiệt tình của cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.

Đây là nguồn lực quan trọng để phát triển mạng lưới cộng tác viên trong chăm sóc sức khỏe người dân, là “cánh tay nối dài” cho hệ thống y tế cơ sở.

Theo Nghị quyết số 22, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng thuộc thành phố Thủ Đức và 16 quận được hưởng mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng và cộng tác viên sức khỏe cộng đồng thuộc năm huyện được hưởng mức hỗ trợ 550.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình đối với các trường hợp cộng tác viên sức khỏe cộng đồng chưa có thẻ bảo hiểm y tế là 300.000 đồng/người/năm.

Thành phố là địa phương đầu tiên trên cả nước chính thức triển khai mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, dự kiến với hơn 15.000 người tham gia. Mục đích là tạo “cánh tay nối dài” cho y tế cơ sở, giúp ngành y tế thành phố làm tốt công tác truyền thông, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thống kê từ Sở Y tế thành phố, nhiều năm qua, số lượng nhân viên y tế tại mỗi trạm y tế dao động từ 5-10 người, bình quân một trạm y tế phục vụ 30.000 dân (nhiều trạm y tế phục vụ dân số hơn 100.000 dân). Ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ Y tế, các trạm y tế còn phụ trách quản lý 20 chương trình sức khỏe: lao, tâm thần, HIV, phong, dân số và phát triển, người cao tuổi, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vệ sinh môi trường, bệnh không lây nhiễm, y tế học đường, tiêm chủng mở rộng…

Do đó, một nhân viên y tế phải đảm nhận nhiều chương trình mới đáp ứng được nhu cầu công việc, dẫn đến không thể gắn kết chặt chẽ với cộng đồng, không thể chuyển tải được những thông điệp truyền thông và vận động người dân cùng tham gia và chia sẻ trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng.

Hiện các trạm y tế trên địa bàn thành phố đã tuyển chọn cộng tác viên. Tuy nhiên, cái khó là theo đề án tuyển nhân sự mới của thành phố, yêu cầu phải có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi mức hỗ trợ khá thấp, cho nên khá ít người đăng ký dự tuyển.

Các nhân viên tại trung tâm y tế phải động viên các cô, chú đã nghỉ hưu đăng ký, vận động để giúp người dân. Hiện mỗi cộng tác viên sức khỏe cộng đồng phụ trách từ 150 đến 200 hộ dân; riêng huyện Cần Giờ, mỗi cộng tác viên sức khỏe cộng đồng phụ trách từ 50 đến 100 hộ dân.

Đề án cũng chỉ rõ, ưu tiên nhân viên y tế đã nghỉ hưu, cộng tác viên các chương trình khác, hội viên hội chữ thập đỏ, hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên... (trừ các đối tượng là bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận) được chi hỗ trợ khi chưa nhận bất kỳ một khoản trợ cấp nào, cho nên các trạm y tế vẫn chưa tuyển đủ số lượng cộng tác viên y tế cộng đồng.

Thực tế cho thấy, hiệu quả cộng tác viên sức khỏe cộng đồng mang lại cho y tế địa phương rất lớn. Phần nhiều họ là người cao tuổi, có kinh nghiệm, trách nhiệm và nhiệt tình, tích cực hỗ trợ các trạm y tế, kể cả trong đại dịch Covid-19 khắc nghiệt.

Thông tin y tế được đưa đến người dân nhanh nhất có vai trò quan trọng của các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; do đó thành phố, các cơ quan liên quan cần vận dụng linh hoạt để đưa Nghị quyết số 22 vào cuộc sống; tuyển chọn được đúng người, đúng việc, góp phần tham gia quản lý sức khỏe ban đầu cho người dân, bảo đảm hoàn thành công tác y tế dự phòng địa phương.