Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, cùng các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mỹ phẩm trên địa bàn thành phố, tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo mỹ phẩm…
Theo đó, Sở Y tế thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều nội dung nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực mỹ phẩm đạt hiệu quả, ngăn ngừa hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm, bảo đảm an toàn, quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo các phòng, ban, lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm nói chung; trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng không phù hợp hoặc vượt quá tính năng, công dụng như đã công bố tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Kiên quyết xử phạt, buộc thu hồi, loại bỏ các yếu tố vi phạm hoặc buộc tiêu hủy đối với các trường hợp thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc.
Tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện triển khai các quy định pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo mỹ phẩm, phải chủ động rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm nói chung và các quy định của pháp luật trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm nói riêng. Các đơn vị này chỉ được phép hoạt động quảng cáo những sản phẩm mỹ phẩm trên các phương tiện quảng cáo sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo; đồng thời, phải tuân thủ các nội dung quảng cáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Các đơn vị không được phép thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với tính năng, công dụng đã công bố hoặc có tính năng, công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc.
Thời gian qua, Sở Y tế thành phố đã có sự vào cuộc kịp thời; tuy nhiên, cần sát hơn với thực tế. Hiện nay, cứ đăng nhập vào bất kỳ một ứng dựng nào trên internet đều đi kèm quảng cáo; thậm chí, các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok..., từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm. Nếu bị phản hồi thì các đối tượng này xóa quảng cáo làm lại quảng cáo khác.
Đối với các hành vi vi phạm, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp cùng chế tài, xử phạt đủ mức răn đe. Số lượng người tiêu dùng lớn, tỷ lệ người mua hàng đa số là phụ nữ có nhu cầu chăm sóc, làm đẹp, vì thế, thay vì chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý khi “sự đã rồi”, người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông thái để bảo vệ chính bản thân và gia đình mình. Khi mua các sản phẩm trên mạng, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ, đến các cửa hiệu, cửa hàng uy tín đã được cấp phép, tránh mua hàng trôi nổi trên nền tảng mạng xã hội...