Ngày 22/3, ông Lê Đình Long (62 tuổi, ở thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), nhận cuộc điện thoại của người tự xưng là Công an thành phố Thủ Đức, báo ông có giấy triệu tập từ Công an thành phố Đà Nẵng do liên quan đến đường dây tội phạm. Sau đó, ông Long bị cuốn vào kịch bản của nhóm lừa đảo khi nhận được nhiều cuộc điện thoại khác từ Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bộ Công an với ý định giúp ông Long gỡ tội.
Nhóm lừa đảo còn gửi giấy triệu tập có đầy đủ và đúng thông tin cá nhân của ông Long. Tiếp đó, các đối tượng dọa sẽ phong tỏa các tài khoản ngân hàng của ông. Do lo lắng, ông Long thực hiện theo lời nhóm lừa đảo tất toán toàn bộ tiền tiết kiệm ở hai ngân hàng vào thẻ thanh toán. Kết cục là tất cả số tiền hơn 3,6 tỷ đồng của ông Long đã bị rút sạch trong vài giờ.
Trước đó, tháng 2/2024, chị B. (quận Phú Nhuận) bị mất số tiền 300 triệu đồng trong tài khoản một ngân hàng khi làm theo lời một người tự xưng là “cán bộ thuế” quận Thủ Đức. Người này điện thoại nói chị B. kết bạn Zalo để trao đổi về thủ tục hoàn thuế với số tiền lên tới gần 100 triệu đồng. Làm theo hướng dẫn của “Cán bộ thuế” này, chị B. tải app của cơ quan thuế, sau đó điền các thông tin cá nhân. Hậu quả là số tiền rất lớn của chị B. trong tài khoản bị rút sạch.
Những vụ việc kể trên cho thấy tình trạng lừa đảo qua mạng vẫn chưa hết phức tạp dù các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin truyền thông thường xuyên cảnh báo đến rộng rãi người dân. Kết quả khảo sát của Google về an toàn thông tin trực tuyến đối với người dùng Việt Nam, 90% người dùng đã từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương, với 49% đã từng bị lừa đảo. Có 3 lý do khiến người lớn tuổi sập bẫy lừa đảo trực tuyến là: không nhận ra tình huống là một trò lừa đảo (48%); giao dịch, giải thưởng có vẻ hấp dẫn (39%); cảm thấy tò mò (38%).
Những con số thống kê trên cho thấy mức độ phức tạp và phổ biến của tội phạm lừa đảo qua mạng. Tội phạm lợi dụng tâm lý hám lợi của người dân khi nghe các chương trình khuyến mãi khủng, đầu tư sinh lời cao; đánh vào tâm lý sợ hãi, lo lắng bản thân gặp rắc rối về pháp luật hoặc sự sốt sắng giúp đỡ người thân, bạn bè đang trong tình huống khẩn cấp…
Lý giải cho tình trạng lừa đảo qua mạng vẫn khá phổ biến có thể do các đối tượng tấn công mạng sử dụng đa dạng hình thức tấn công mới nhắm người dùng mạng. Trong bối cảnh các nền tảng công nghệ mới thay đổi rất nhanh, các đối tượng sử dụng deepfake (kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật) để đánh lừa người dùng mạng. Người dân dù được trang bị các kiến thức tự bảo vệ an toàn thông tin truyền thống, nhưng với việc đối tượng tấn công sử dụng kết hợp giữa công nghệ mới cùng với thủ đoạn tinh vi đánh vào tâm lý, hành vi khách hàng như mạo danh cơ quan công an, tòa án, cơ quan thuế… vẫn có nguy cơ bị lừa đảo.
Trước tình trạng lừa đảo tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng như hiện nay, các ngân hàng đang triển khai biện pháp kiểm soát tài khoản ngân hàng của khách hàng như việc ứng dụng công nghệ sinh trắc học vào việc chuyển tiền để giảm thiểu rủi ro gian lận. Bên cạnh các giải pháp trên từ phía ngành ngân hàng, các chuyên gia kiến nghị cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong điều tra và xử lý tội phạm nhằm bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu, tài khoản và quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Về phía người dùng mạng xã hội, cần thường xuyên nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ mình. Đó là tâm lý chậm lại và thận trọng trước các thông tin và tham gia tương tác trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, phải thận trọng, hạn chế để lộ thông tin cá nhân qua mạng xã hội vì các đối tượng sử dụng thông tin này để giả mạo danh tính và bị sử dụng danh tính để giả mạo, lừa đảo.