Vào đầu giờ sáng, dọc các tuyến Quốc lộ 1 và nhiều tuyến đường khác, tình trạng đi ngược chiều, đi sai làn đường,… trở nên phổ biến, bất chấp các quy định, biển báo hướng dẫn, cảnh báo.
Thậm chí, nhiều người khi chạy ngược chiều còn chở 3, chở 4, chở trẻ em trên xe. Còn tại nút giao thông Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (phường Linh Trung), nhiều người chạy xe máy với tốc độ cao, bất chấp biển báo cấm trên Quốc lộ 1. Ðây là đoạn đường chỉ dành cho ô-tô lưu thông nhưng nhiều người đi xe máy, xe đạp vẫn vô tư vượt ẩu, chạy tốc độ cao…
Thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố: Tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tính đến ngày 15/12/2023 là 1.536 vụ. Trong đó, nhóm các nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông bao gồm: Ði sai làn đường, phần đường; vi phạm quy định an toàn giao thông khi chuyển hướng; vượt sai quy định; người đi bộ sang đường sai quy định; sử dụng rượu bia, chất kích thích có cồn,…
Trong số này, có đến 245 vụ tai nạn giao thông do người điều khiển đi sai làn đường, phần đường; 192 vụ do vi phạm quy định an toàn giao thông khi chuyển hướng. Tương tự, nguyên nhân tai nạn do người đi bộ sang đường sai quy định là 90 vụ; người điều khiển xe vượt sai quy định là 93 vụ; sử dụng rượu bia, chất kích thích có cồn là 44 vụ.
Ðể chấn chỉnh thực trạng này, Công an thành phố và các đơn vị chức năng khác đã triển khai nhiều đợt cao điểm, ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông, qua đó đã xử lý hơn 128 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tăng 73.046 trường hợp (hơn 130%) so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, quý I/2024, thành phố vẫn để xảy ra 454 vụ tai nạn giao thông làm 116 người chết và 310 người bị thương, so với cùng kỳ tăng 8% về số vụ, giảm 37% số người chết và tăng 29% về số người bị thương.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố khẳng định, những tín hiệu tốt trong việc kiểm soát an toàn giao thông thời gian qua là đáng ghi nhận, song những con số có dấu hiệu tăng của quý I/2024 cho thấy, thành phố không được lơ là mà phải thực hiện thường xuyên, liên tục công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Công an thành phố và các đơn vị chức năng cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chuyên đề về nồng độ cồn; kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa; vi phạm tốc độ... Trong đó, công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn phải thực hiện quyết liệt, bền bỉ, quyết tâm hình thành thói quen, văn hóa "Ðã uống rượu bia không lái xe".
Muốn vậy, các lực lượng chức năng cần nghiêm minh, xử lý triệt để, không né tránh theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không ngoại lệ. Song song đó, công tác tuyên truyền, kết hợp giáo dục đối với người dân, trẻ em trong quá trình tham gia giao thông cần được sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội thông qua nhiều hình thức trực quan, sinh động.
Về lâu dài, việc nâng cao trách nhiệm từng địa phương; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng, bảo trì và khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu, ưu tiên các công trình giao thông mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc, tai nạn... cũng là vấn đề cần được thành phố chú trọng.
Hạ tầng giao thông tốt, tiện lợi sẽ là điều kiện và yếu tố quan trọng để nâng cao nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông. Ngoài ra, việc rà soát, nghiên cứu tổ chức giao thông khoa học, linh động, phù hợp đặc điểm, tình hình thực tế; khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông cũng góp phần mang lại môi trường an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.