Tính toán việc đốn hạ cây xanh cho phù hợp khi thi công công trình

Thông tin đốn hạ hàng trăm cây xanh do ảnh hưởng phạm vi dự án xây dựng tuyến Metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) khiến nhiều người dân tiếc nuối, băn khoăn. Hy vọng các cơ quan quản lý có giải pháp hữu hiệu để vừa phục vụ công tác thi công tuyến Metro trọng điểm, vừa giữ gìn mảng xanh cho thành phố hơn 10 triệu dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cây xanh trên đường Phạm Hồng Thái, Quận 1 nằm trong kế hoạch đốn hạ để thi công tuyến Metro số 2.
Cây xanh trên đường Phạm Hồng Thái, Quận 1 nằm trong kế hoạch đốn hạ để thi công tuyến Metro số 2.

Trong thông báo gửi Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố cho biết, số lượng cây xanh bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án xây dựng tuyến Metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) là 453 cây. Trong đó, có 404 cây xanh phải đốn hạ, số còn lại được bứng dưỡng đến nơi khác để chăm sóc. Số cây xanh phải đốn hạ nằm trên các tuyến đường Lê Lai, Trương Ðịnh, Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh… thuộc khu vực các Quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú nơi toàn tuyến của dự án Metro số 2 đi qua. Thống kê chủng loại cây sẽ đốn hạ phục vụ thi công công trình là sọ khỉ, lim sét, dầu, bằng lăng, me, sao đen. Quan sát trên thực tế, có một số cây có tuổi thọ lâu năm, tán cây rộng 5,7 m, thân cao gần 30 m, nằm ở các tuyến đường trung tâm thành phố.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố, việc đốn hạ, di dời cây xanh chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, sẽ khởi công trong tháng 4, hoàn thành tháng 7/2024. Ðối với một số cây nằm trong phạm vi thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật di dời mới, thì tiến hành đốn hoặc di dời đi nơi khác để phục vụ thi công hạ tầng. Khả năng xem xét đưa về depot Tham Lương để chăm dưỡng.

Ðối với các cây nằm trên vỉa hè hiện hữu trong phạm vi nhà ga không ảnh hưởng đến quá trình thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì tạm giữ lại để tạo bóng mát cho đoạn tuyến trong thời gian chờ thi công nhà ga ngầm và sẽ có phương án bảo vệ trong quá trình thi công. Ở giai đoạn 2, với số lượng cây bị đốn nhiều hơn, trước khi thi công nhà ga chính, toàn bộ cây xanh trong phạm vị ranh thu hồi đất sẽ bị đốn hạ hoặc di dời. Các cây xanh không thuộc ranh thu hồi đất sẽ có phương án bảo vệ. Việc di dời và đốn hạ hệ thống cây xanh dọc tuyến Metro này có chi phí hơn 1,4 tỷ đồng.

Còn nhớ khi Thành phố Hồ Chí Minh lập dự án và thi công công trình cầu Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son) đã có khoảng 250 cây xanh bị đốn hạ, di dời. Hầu hết số cây xanh này đều là cây cổ thụ lâu năm, thuộc loại cây quý hiếm nên đã thu hút sự quan tâm, phản biện và chia sẻ của nhiều nhà khoa học, người dân thành phố chung quanh việc đốn hạ, di dời số lượng lớn cây xanh thời điểm đó. Song, vì yêu cầu bảo đảm hạ tầng kỹ thuật phục vụ công trình nên việc di dời, đốn hạ vẫn phải triển khai; trong đó, đơn vị quản lý chọn một số cây “lão” để chăm dưỡng…

Ðầu tư phát triển hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị không thể tránh khỏi việc đốn hạ hệ thống cây xanh, lá phổi của thành phố và chắc chắn sẽ còn nhiều dự án hạ tầng khác thực hiện. Trên thực tế, gần đây thành phố đã đốn hạ khoảng 1.300 cây xanh các loại để thi công công trình nút giao An Phú (thành phố Thủ Ðức), 130 cây xanh ở khu vực công viên Hoàng Văn Thụ để thi công công trình đường nối Cộng Hòa-Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình).

Do đó, theo các chuyên gia đô thị, thành phố phải có phương án trồng mới cây xanh để “bổ cập” cho các công trình thi công phải đốn hạ cây, bảo đảm tổng diện tích tán cây trồng mới phải lớn hơn hoặc bằng tổng diện tích tán cây hiện hữu đốn hạ hoặc di dời. Trước khi đốn hạ, cần phải có đánh giá, phân loại kỹ càng để xác định cây nào nên đốn hạ, cây nào nên bứng, dưỡng.

Hơn hết, rất cần sự chung tay của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ di dời toàn bộ các cây xanh sang một khu vực khác để có hướng tái sử dụng; nếu cây xanh nào còn có thể tái sử dụng để trồng vào các con đường khác thì nên bứng rễ để đem đi trồng hoặc ươm giống khi cần trồng. Làm sao để mảng xanh của thành phố không bị teo tóp và các công trình mọc lên phải thật sự có giá trị về mọi mặt…