Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, các nguồn lực, thế mạnh về đất đai, con người, văn hóa và lịch sử, công nghệ của từng địa phương sau khi hợp nhất bước đầu đã được khai thác, phát huy. Có được kết quả đó là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn.
Chuyển biến rõ nét
Ngày 6-2-2018 là ngày hội đối với người dân xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Ðức) và xã Cao Thành (huyện Ứng Hòa) khi cây cầu Mỹ Hòa bắc qua sông Ðáy khánh thành, đưa vào sử dụng. Không còn cảnh cả đoàn người cùng phương tiện phải nín thở mỗi khi qua sông trên chiếc cầu phao bằng gỗ chòng chành, hay muốn đi khám, chữa bệnh cũng phải đi đường vòng xa gấp đôi mới có thể sang được Bệnh viện đa khoa Vân Ðình. Nhờ "nhịp cầu nối những bờ vui", từ một địa bàn gần như bị cô lập, thời gian tới, kinh tế - xã hội của xã Bột Xuyên sẽ đổi thay nhanh chóng. Phó Giám đốc Công ty May Lychi Việt Nam Nguyễn Minh Giang, đại diện doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã ghi nhận: "Từ khi có cây cầu này, việc vận chuyển hàng hóa của công ty nhanh chóng hơn rất nhiều. Công nhân ở huyện Ứng Hòa sang làm việc cũng thuận tiện hơn".
Sớm nhận diện những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của các địa phương mới hợp nhất về Thủ đô, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã tham mưu với thành phố lập Quy hoạch GTVT Thủ đô nhằm kết nối đồng bộ hạ tầng giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, thành phố đã xây dựng và ban hành hàng loạt nghị quyết, đề án và tập trung đầu tư.
Ðánh giá chung cho thấy, 10 năm qua, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước kết nối đồng bộ giữa các khu vực, địa phương với nhau. Kết quả đó được thể hiện bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng khoảng 0,28% diện tích đất đô thị/năm. Thành phố đã xây mới 223 km đường; phối hợp Bộ GTVT hoàn thành xây dựng ba cầu lớn gồm Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh; các tuyến đường hướng tâm: Ðường 5 kéo dài, quốc lộ 32 (đoạn Nam Thăng Long - Cầu Diễn - Nhổn - Sơn Tây), đường Nhật Tân - Nội Bài...; từng bước hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai thành phố. Ðồng thời hoàn thành hàng loạt các công trình giao thông bảo đảm an sinh xã hội, gồm 2.200 km đường giao thông nông thôn; 12 công trình cầu yếu; 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới; 68 hầm chui... Hiện nay, Hà Nội và Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình giao thông quan trọng đối với Thủ đô như: tuyến đường sắt đô thị số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Ðông) và số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở); đường vành đai 3 trên cao và dưới thấp (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); cầu Ba Vì - Việt Trì...
Mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt Hà Nội có những bước chuyển mình ấn tượng, cho đến nay đã có 112 tuyến, tăng 51 tuyến so với năm 2008, vận chuyển hơn 430 triệu lượt hành khách/năm (tăng 64%), bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã.
Ða dạng nguồn lực, tăng tính kết nối
Bên cạnh những kết quả nêu trên, ngành GTVT Thủ đô cũng còn nhiều những hạn chế, khó khăn. Ðó là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị phát triển chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị; tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Ðồng thời, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT được quan tâm, tuy nhiên nguồn vốn dành cho đầu tư còn hạn chế; tiến độ thi công dự án đường sắt đô thị còn chậm; hệ thống giao thông tĩnh còn thiếu nghiêm trọng, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm...
Về định hướng phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn những năm tới, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, thành phố sẽ tập trung đầu tư các công trình giao thông có tính kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, khu vực ngoại thành, cũng như các tỉnh lân cận thông qua các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường sắt đô thị và các trục đô thị có tính kết nối. Ðơn cử như: các tuyến đường vành đai 3, 5; vành đai 4 và vành đai 5; các trục đường hướng tâm gồm: quốc lộ 6, quốc lộ 1A, quốc lộ 3, Hà Ðông - Xuân Mai, Hồ Tây - Ba Vì, đường trục phía nam, trục Tây Thăng Long...; các tuyến giao thông kết nối như: quốc lộ 21, đường 70, tuyến đường dọc hai bờ sông Hồng... Nhất là đẩy nhanh việc triển khai các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, gồm tuyến số 3, đoạn Nhổn - Sơn Tây; tuyến số 2, đoạn Bưởi - Nội Bài - Sóc Sơn; tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc...
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện, trong 52 công trình trọng điểm của Hà Nội giai đoạn 2016-2020, ngành giao thông có đến 38 công trình, thể hiện sự quan tâm lớn của thành phố trong việc xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ. Tuy nhiên, ngân sách và nguồn ODA chỉ đảm đương được 30% vốn, còn lại phải được huy động từ các nguồn vốn khác. Bên cạnh đó, khối lượng phải giải phóng mặt bằng rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, cũng như sự đồng thuận của người dân, để diện mạo giao thông Hà Nội ngày càng khởi sắc, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ hơn cho Thủ đô.
(Còn nữa)
Kiều Hương và Quốc Toản
(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 27-7-2018.