Bài 1: Tạo nền tảng cho văn hóa ứng xử
Trong sự giàu có của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, có một đặc trưng không thể lẫn vào đâu, đó là văn hóa ứng xử. Trải qua năm tháng, văn hóa ứng xử của Thăng Long - Hà Nội đã được "chưng cất" thành truyền thống đáng tự hào. Nhưng lịch sử phát triển Thủ đô trải qua nhiều biến động về dân cư, địa lý hành chính; cùng với đó, xã hội có nhiều đổi thay. Bởi thế, việc UBND thành phố ban hành hai QTƯX để điều chỉnh văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức và người dân nơi công cộng là hết sức cần thiết, góp phần tạo nền tảng cho văn hóa ứng xử thời hiện đại.
Những trăn trở từ cuộc sống
Cứ vào mỗi dịp lễ, Tết, những công viên, vườn hoa - nơi thành phố tổ chức bắn pháo hoa, biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng, thường ngổn ngang rác thải. Khu vực hồ Hoàn Kiếm là một thí dụ điển hình. Không những rác thải bủa vây, mà nhiều thảm cỏ, bồn hoa cũng bị giẫm nát. Lực lượng chức năng thường phải thức thâu đêm thu dọn hậu quả. Hà Nội là nơi có nhiều di tích nổi tiếng. Các di tích này thường là nơi tôn nghiêm thờ Phật, hay các vị tiền nhân có công với đất nước. Song, tại nhiều di tích, chúng ta thường gặp không ít cảnh "chướng tai, gai mắt". Không ít người diện trang phục không phù hợp chốn tôn nghiêm. Ở những nơi công cộng như: nhà ga, bến xe, vỉa hè... tình trạng gây ồn ào, hút thuốc không đúng nơi quy định, xả rác bừa bãi... khá phổ biến.
Tại các cơ quan, công sở, dù đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nhiều người dân vẫn có tâm lý "ngại" đến các cơ quan chính quyền làm việc. Bởi vẫn còn tình trạng cán bộ gây khó dễ, hoặc có thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, thiếu tôn trọng công dân. Tiến sĩ xã hội học Nhạc Phan Linh (Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho biết: "Khảo sát về văn hóa ứng xử của công chức Hà Nội cho thấy, một số nơi còn ứng xử chưa phù hợp giữa công chức với người dân đến làm việc. Người dân phàn nàn nhiều nhất ở bộ phận tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính do không được giải thích rõ ràng, mất nhiều thời gian cho những thủ tục rất đơn giản".
Thực trạng này đặt ra nhiều câu hỏi: Văn hóa ứng xử của người Hà Nội ngày nay ra sao? Truyền thống thanh lịch của người Tràng An phải chăng đã biến mất? Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, cuộc sống luôn có hai mặt tốt - xấu. Ðời sống văn hóa giống như một mảnh vườn, nếu không được chăm sóc, vun trồng, thì các loài cỏ dại sẽ có dịp vươn lên. Những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố đã có nhiều chương trình, kế hoạch để xây dựng văn hóa người Hà Nội. Song thực tế, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức được vai trò của việc xây dựng, phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa ứng xử. Hà Nội có nền tảng là lối ứng xử thanh lịch, văn minh, nhưng đã trải qua nhiều biến động lịch sử, thay đổi địa giới, thay đổi thành phần dân cư. Những năm gần đây, mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200 nghìn người, chủ yếu là tăng cơ học do người dân từ các tỉnh khác di cư về. Những biến động góp phần làm mai một truyền thống thanh lịch, văn minh.
Tạo nền tảng xây dựng văn hóa người Hà Nội
Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Khắc Lợi, người nhiều năm gắn bó với việc xây dựng hai QTƯX cho biết: Với bốn chương, 11 điều, QTƯX này thể hiện rõ "chất Tràng An" qua các quy tắc như: Yêu cầu cán bộ, công chức phải giữ thái độ niềm nở, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ hòa nhã, không nói tục, không làm việc riêng, gây mất trật tự trong giờ làm việc… Quy tắc cũng yêu cầu cán bộ phải giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; ưu tiên hỗ trợ giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người đau ốm; không sách nhiễu, gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu; nghiêm túc nhận khuyết điểm, thành khẩn tự phê bình, rút kinh nghiệm khi để xảy ra sai sót...
QTƯX nơi công cộng gồm bốn chương, 14 điều. Ðiểm nổi bật nhất là sự đơn giản, dễ nhớ. Ngoài một bộ quy tắc chung, QTƯX nơi công cộng còn có quy tắc cụ thể dành cho tám môi trường khác nhau, như: Tại vỉa hè, lòng đường; Tại vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; Tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; Tại nhà ga, bến ô- tô, bến tàu, thuyền, sân bay... Các quy tắc nêu rõ những điều nên làm, không nên làm, tạo thuận lợi cho mọi công dân có thể thực hiện. Không chỉ yêu cầu công dân giữ gìn trật tự, an ninh, vệ sinh môi trường... ở các địa điểm công cộng, một nét "rất Hà Nội" của QTƯX này là thành phố khuyến khích người dân "tham gia bảo vệ, đóng góp, phát huy giá trị công trình" khi đến với vườn hoa, công viên, quảng trường; yêu cầu người dân xếp hàng khi mua bán, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường khi đi chợ, đi siêu thị; đóng góp, xây dựng và bảo vệ tài sản khi đến bảo tàng, thư viện... Các quy tắc này vừa phát huy được truyền thống văn hóa người Hà Nội, vừa thích ứng với cuộc sống hiện đại.
Những điều khoản của hai QTƯX đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận. Ngay sau khi ban hành, các cơ quan chức năng của thành phố, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức cho cán bộ, nhân viên cam kết triển khai, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu QTƯX để phổ biến kiến thức. Các hình thức triển khai thực hiện QTƯX đặc biệt sôi nổi ở cơ sở, nhất là các khu dân cư. Ðiều này thể hiện việc ban hành QTƯX đã đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội, là điều kiện thuận lợi để QTƯX đi vào cuộc sống.
(Còn nữa)