Quá trình hợp nhất làm giàu thêm văn hóa Thủ đô
Văn hoá Thăng Long - xứ Ðoài từ lâu đã có sự giao thoa. Sự tương đồng và mối quan hệ lâu đời của hai vùng văn hóa lớn khi hội nhập giúp văn hóa Hà Nội giàu lên, lưu giữ, phát huy được nét đặc sắc của văn hóa mỗi vùng. Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đem lại nhiều lợi thế về văn hóa, du lịch. Tuy nhiên, để văn hóa Thủ đô phát triển toàn diện, thành phố cần dành nguồn đầu tư tương xứng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phải tìm cách để hoạt động văn hóa không làm mất đi bản sắc của vùng, đồng thời tiếp thu văn hóa thế giới, công nghệ mới của thời kỳ 4.0.
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội
Ðời sống của người dân miền núi được cải thiện rõ rệt
So với 10 năm trước, xã Ba Trại, một trong bảy xã miền núi của huyện Ba Vì (Hà Nội) đã thay đổi nhiều, từ bộ mặt nông thôn, hạ tầng giao thông đến đời sống người dân. Năm 2008, thu nhập bình quân ở địa phương mới đạt 7 triệu đồng/người/năm, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang trồng chè và trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đến nay thu nhập của người dân đã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 17,5% năm 2008, giờ chỉ còn 1,89%. Năm 2017, Ba Trại là xã miền núi đầu tiên của huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới.
NGUYỄN ÐỨC DẦN
Chủ tịch UBND xã Ba Trại (huyện Ba Vì)
Thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện hơn trước
Sau mười năm mở rộng địa giới hành chính, điều tôi tâm đắc nhất chính là những thay đổi tích cực trong cải cách hành chính. Mới đây, tôi có làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con, chỉ với máy tính có kết nối mạng và chưa đầy mười phút đăng nhập hệ thống, tôi đã làm xong thủ tục. Do hệ thống liên thông với cơ quan công an, bảo hiểm xã hội, cho nên khi đến lấy kết quả, tôi nhận được cả đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và bảo hiểm y tế cho con, thay vì phải đi đến ba cơ quan với sáu lần đi lại như trước. Tôi mong muốn thành phố tiếp tục có những cải tiến trong lĩnh vực cải cách hành chính, để rút ngắn hơn nữa thời gian đi lại cho người dân.
LÊ XUÂN HẢI
(Xã Di Trạch, huyện Hoài Ðức)
Tập trung phát triển kinh tế tri thức
Mười năm qua, kinh tế Thủ đô tuy vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, nhưng chưa thật sự tương xứng với thế mạnh, chưa phát huy hết được tiềm năng của Hà Nội. Dù định hướng phát triển nền kinh tế tri thức nhằm tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, nhưng nhiều năm nay, sản phẩm công nghiệp vẫn chỉ là bóng đèn, phích nước, màn-tuyn…, kinh tế Thủ đô vẫn thiếu những sản phẩm hàng hóa mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao. Thực tế này đòi hỏi thành phố
tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn, đạt hiệu quả rõ nét hơn để đưa kinh tế Thủ đô tăng trưởng vượt bậc.
ÐẶNG THỊ QUỲNH
(Ðường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên)
Tháo gỡ vướng mắc cho cải tạo chung cư cũ
Trong mười năm qua, thành phố huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều khu đô thị mới và cải tạo các công trình trong khu vực trung tâm. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện công việc này chưa đạt yêu cầu. Nhất là việc cải tạo các chung cư cũ xây dựng cách đây 40, 50 năm, hiện đã xuống cấp. Cho đến nay, mới có một vài tòa nhà được cải tạo, còn hầu hết các khu tập thể lớn đều chưa được triển khai, do những vướng mắc về cơ chế, chính sách. Tôi mong rằng, thời gian tới, thành phố quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách để đẩy nhanh hơn việc cải tạo chung cư cũ, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, đồng thời làm đẹp cảnh quan đô thị.
ÐINH THỊ HỢP
(Phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng)