Nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, thời gian qua thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, sáu trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp; xóa bỏ hơn 99% lượng bếp than tổ ong và hàng trăm lò gạch thủ công, giảm 80% lượng đốt rơm rạ; đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác thải phát điện hiện đại.
Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất ô nhiễm, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa và yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải…
Mặc dù đã có nhiều giải pháp cải thiện chất lượng không khí, nhưng trước sự biến đổi khó lường của khí hậu, tốc độ đô thị hóa, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí vẫn nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, 40% dân số của Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi mịn PM2.5 ở ngưỡng gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia và gấp nhiều lần tiêu chuẩn thế giới.
Các nguồn phát thải bụi mịn PM2.5 chính ở Hà Nội bao gồm: 35% từ các hoạt động công nghiệp, 25% từ giao thông, 20% từ phát thải a-mô-ni (phân bón, chăn nuôi), 10% từ đun nấu, đốt sinh khối, 7% từ đốt phụ phẩm nông nghiệp, nhất là rơm rạ ngoài trời…
Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm không khí, thành phố cần tiếp tục thực hiện hiệu quả việc cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố. Củng cố và thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy, thúc đẩy giao thông công cộng và đẩy mạnh phát triển xe điện.
Xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để bảo đảm loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế rác thải làm phân hữu cơ, thu hồi khí mê-tan tại các bãi chôn lấp; đồng thời giải quyết nguồn phát thải a-mô-ni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ, hoạt động chăn nuôi. Thắt chặt tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở phát sinh ô nhiễm, nhất là các cơ sở sản xuất công nghiệp, sản xuất làng nghề, công trình xây dựng. Cải tạo, nâng cao chất lượng các công viên, mở rộng diện tích hồ nước và trồng mới cây xanh.