Nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô

Mười năm sau ngày mở rộng địa giới hành chính, chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc phải “chuyển mình” trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hà Nội đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô.

Phân xưởng sản xuất bếp ăn công nghiệp của Công ty cổ phần Hà Yến (Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội). Ảnh: KHẮC KIÊN
Phân xưởng sản xuất bếp ăn công nghiệp của Công ty cổ phần Hà Yến (Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội). Ảnh: KHẮC KIÊN

Một trong những tiền đề để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế là ổn định kinh tế vĩ mô. Mười năm qua, Hà Nội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế, bình quân đạt 7,41%/năm. Trong đó, dịch vụ tăng 7,52%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,17%, nông nghiệp tăng 2,68%. Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh, năm 2017 đạt 86 triệu đồng (gấp 2,3 lần so với năm 2008). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển. Cơ cấu lao động xã hội có sự chuyển dịch tương ứng. Ngành xây dựng tiếp tục phát triển sôi động. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, khu đô thị, công trình giao thông,… được đầu tư và đưa vào sử dụng, góp phần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng các ngành sản xuất và dịch vụ.

Trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, thành phố chú trọng phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch, tập trung phát triển các lĩnh vực, sản phẩm có thế mạnh và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và ngoài nước. Đến nay, Hà Nội công nhận 59 sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội. Các khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, Khu công viên Công nghệ phần mềm Hà Nội, Khu Công nghệ thông tin Cầu Giấy… đã và đang hình thành, hoàn thiện, đưa vào khai thác hiệu quả. Tại đây tập trung các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), công nghiệp cao, công nghiệp điện tử…, phát triển mạnh mẽ. Đến hết năm 2017, có 11.018 doanh nghiệp CNTT, trong đó 4.955 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; 589 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phần cứng - điện tử; 5.474 doanh nghiệp buôn bán các sản phẩm CNTT. Tỷ trọng ngành nông nghiệp có xu hướng giảm, nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu và ngày càng gia tăng chăn nuôi, chế biến và dịch vụ nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất, bảo đảm hiệu quả, bền vững.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, để nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, thành phố đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Từ hỗ trợ vốn vay, lãi suất vốn vay cho tới giới thiệu, ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, thuế - hải quan, thu hút đầu tư…, thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội từng bước được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục sáu năm liền kể từ năm 2012; năm 2017 xếp thứ 13 trong số 63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay. Niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được nâng lên, Hà Nội được xếp trong tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới. Thành phố đang triển khai nhiều kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có 400.000 doanh nghiệp thành lập mới.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh, đến nay, phần lớn doanh nghiệp của thành phố vẫn ở quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Các doanh nghiệp thường xuyên đối mặt với việc thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu mặt bằng phù hợp, khó tiếp cận các nguồn lực phục vụ phát triển. Vì vậy, bài toán nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra hết sức cấp thiết.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, khuyến khích, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ có trình độ và chất lượng cao, nâng cao hiệu quả các hoạt động xuất - nhập khẩu. Quan tâm phát triển mạnh khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức, khuyến khích, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá thành và giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh đào tạo lao động chất lượng cao đáp ứng các ngành công nghệ, kỹ thuật cao. Thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2016 - 2020 đạt hơn 7,4%/năm (theo cách tính mới); thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 126 triệu đến 129 triệu đồng, xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu của vùng và cả nước.